Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012


VAI TRÒ MÔN HỌC MỸ THUẬT

VAI TRÒ MÔN HỌC MỸ THUẬT
Lê thị thanh thủy
Với những kết quả mà chúng ta đã đạt được, những vấn đề gây xôn xao dư luận diễn ra trong những năm gần đây đối với nghành giáo dục, đã rống lên một hồi chuông cảnh báo rằng đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi về phương pháp dạy và học.
Ta có thể nhận thấy những cố gắng thay đổi của nghành giáo dục nước nhà. Song trong sự ồn ào đó, có một môn học mà tiếng nói của nó khiêm tốn hơn rất nhiều, người ta ít nhắc đến nó, có cảm giác như sự tồn tại hay không tồn tại của nó không thực sự quan trọng, một môn mà trong tất cả các môn nó trở thành phụ nhất, một môn học mà có bà hiệu trưởng đã nói với tôi là”một môn học giải trí”
Nhưng cái mà người ta gọi là “giải trí” đó lại rất cần cho sự phát triển “toàn diện” của con người. Chúng ta sẽ đi đến đâu nếu trong cuộc chạy đua phát triển của văn minh mà bỏ quên đi một phần của cuộc sống đó là văn hóa. Lịch sử mỹ thuật của phương tây sau hàng nghìn năm phát triển, trải qua bao thời kì mà như giáo sư Đặng Quý Khoa gọi Là “đập phá” để tìm đến sự khúc triết, duy lý trong nghệ thuật. Bỗng một ngày đổ xô ồ ạt tìm về phương đông như “Đứa con thơ đói lòng gặp sưa/ Chiếc nôi ngường bỗng gặp cánh tay đưa” Bởi sự mẫn cảm của người nghệ sỹ đã giúp họ nhận ra những mặt trái của “thời đại cơ khí”và cảnh báo cho chúng ta về những nguy cơ của nó. Những cuộc bạo động của tầng lớp thanh niên diễn ra ở Anh thời gian gần đây chẳng phải là một minh chứng đó sao?
Cũng chính cái lối tư duy đó mà từ một chính sách “phát triển toàn diện” mà môn mỹ thuật là một phần quan trọng trong chục năm qua gần như phá sản. Bao nhiêu nhiêu tiền của đã bỏ ra, và cái ý tưởng đẹp đẽ đào tạo một đội ngũ sư phạm nghệ thuật được người ta ca tụng ngày nào giờ chẳng khác gì một mảnh ghép thừa trong bức tranh giáo dục nước nhà.
Tôi đã từng đọc những bài viết của các nhà phê bình mỹ thuật về sự bế tắc của mỹ thuật Việt Nam , về tính chuyên nghiệp của mỹ thuật và một thị trường phụ thuộc vào tây ba lô đã làm cho nó như đang tê liệt.Song thiết nghĩ con đường chúng ta đi không sai, ngay từ ngày mở cửa chúng ta đã ý thức được phải đưa mỹ thuật vào giáo dục chính thống,tuy nhiên trong quá trình thực hiện chúng ta đã làm không hiệu quả . Đáng nhẽ song song với sự phát triển của mỹ thuật giáo dục cũng phải đồng hành, đến bao giờ nền mỹ thuật Việt Nam mới trở nên chuyên nghiệp khi mà bản thân nó không có khán giả ngay trên sân nhà của mình, khi mà người dân cho rằng nó là một thứ hàng xa xỉ và gần như chẳng thấy đẹp ở chỗ nào. Vậy đấy !người ta bàn về tính chuyên nghiệp của nó mà quên mất rằng nó phải bắt đầu từ giáo dục trong nhà trường ,rồi thứ đến mới là xã hội hóa nó. Nói như thế để thấy được vai trò của người giáo viên mỹ thuật quan trọng như thế nào, thời gian qua chúng ta đã bế tắc cũng bởi yếu tố con người.Bạn muốn nói rằng : do kinh tế ư! Rằng kinh tế quyết định ý thức ! Ông cha ta xưa sống trong bom đạn và chiến tranh, ăn cơm cà với mắm mà tâm hồn vẫn bay bổng đấy thôi, nghệ thuật dân gian của chúng ta đã nói lên điều đó. Với tôi nó thuộc về vấn đề về văn hóa, là sự rèn luyện để rồi nó trở thành một nhu cầu tinh thần của mỗi người.Có như thế họa sĩ Việt Nam mới yên tâm với nghề, mới có thể thả sức tung hoành với nó bởi :cơm áo không đùa với khách thơ .
Xưa nay giáo viên mỹ thuật thường không được người ta coi trọng bằng các bộ môn khác , một phần cũng bởi người giáo viên mỹ thuật chưa biết khẳng định vai trò của mình.
Ngày nay người ta lo sợ về một nền văn hóa sẽ mất đi những dấu ấn bản sắc của dân tộc trong một thế giới phẳng, nhưng bản sắc là gì? Đó chẳng phải là tư duy, là tâm hồn là những giá trị nằm trong tầng lớp trầm tích của văn hóa sao? Mà tất cả những yếu tố đó đều được tích hợp nằm trong mỹ thuật. Bởi vậy vai trò của giáo viên mỹ thuật giờ đây không còn là giúp trẻ làm quen với nghệ thuật nữa .Nó được đẩy lên một mức cao hơn đó là góp phần hình thành nên những con người mang cốt cách Việt
Nhìn vào chương trình học hiện nay chúng ta có thể thấy là đầu chuột đuôi voi. Sở dĩ tôi nói như vậy là bởi mặc dù mỹ thuật đã được đưa vào tiểu học nhưng chương trình của nó lại thiếu hẳn phần lịch sử mỹ thuật, trong khi đấy chương trình cấp hai lại quá nặng và thiếu cập nhật các trào lưu mới và lên cấp ba chúng ta lại không có môn học này . Tôi nghĩ đây là một thiếu sót , bởi ở cấp ba học sinh đã có đầy đủ các kiến thức cũng như sự trưởng thành để có thể tiếp cận sâu hơn về nghệ thuật. Điều này sẽ không làm chương trình học phổ thông của các em nặng hơn, bởi mỹ thuật là một môn học phát triển đồng tâm đi từ đơn giản đến phức tạp và kiến thức đã được rải đều, việc thẩm thấu ở các em cũng sẽ tốt hơn.Giúp các em tự tin hơn khi hòa nhập với công dân toàn cầu.
Trong nghệ thuật sư phạm thì phương pháp giảng dạy đặc biệt quan trọng, lối dạy cứng nhắc và rập khuôn hiện nay đối với môn mỹ thuật là lí do khiến cho môn học này trở nên buồn tẻ và không thực hiện được hết mục tiêu đề ra của nó. Nhưng khái niệm dạy học tích cực lại được các thầy cô hiểu hết sức mơ hồ, không phải cứ có máy chiếu là tích cực , cũng như không phải cứ đặt nhiều câu hỏi là đã đưa học sinh trở thành đối tượng trung tâm . Ngoài việc đảm bảo kiến thức người giáo viên mỹ thuật cần phải có một kỹ thuật dạy riêng nhằm giúp các em phát triển được tư duy mà vẫn đảm bảo không nhồi nhét kiến thức. Để làm được điều đó không dễ nó đòi hỏi người người giáo viên một trình độ cao và sự tâm huyết trong bài dạy, những giáo viên có “đẳng cấp” tất thảy đều đã đạt đến trình độ này.
Vòng vo bấy nhiêu cuối cùng cùng để thấy rằng mỹ thuật có một vai trò quan trọng không thể không nhắc đến và cần dặt ra những giải pháp trước khi nó trở nên nghiêm trọng, trầm kha hơn. Trước khi chờ đợi vào một sự thay đổi thiết nghĩ điều đầu tiên mà tất cả chúng ta có thể làm đó là sự nỗ lực của những người thầy , người cô để đạt được những năng lực và phẩm chất cần có, mà con đường đến với nó chỉ có thể là tự học và rèn luyện suốt đời.
Hà nôi 18-9-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét