Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012


PHƯƠNG PHÁP TRỰC QUAN TRONG DẠY HỌC MỸ THUẬT
Lê Thanh Thủy
Một trong những phương pháp hay sử dụng nhất trong giảng dạy mỹ thuật đó là phương pháp trực quan, có thể nói bước đầu tiên để người giáo viên giúp học sinh tiếp cận với mỹ thuật đó là các hình ảnh trực quan,thông qua nó chúng ta tổ chức tiết học một cách hợp lý nhất để học sinh tiến hành các thao tác tư duy bao gồm : Phân tích,tổng hợp, so sánh, khái quát hóa, trừu tượng hóa…. hình thành nên kiến thức.
Phương pháp trực quan là phương pháp sử dụng tranh ảnh hay videoclip ,thăm quan bảo tàng để phục vụ nội dung và mục tiêu của bài dạy, thông qua chúng người giáo viên dễ dàng truyền đạt vấn đề tới học sinh hơn và người học sinh cũng dễ tiếp nhận kiến thức hơn , hiểu sâu hơn, nhớ chính xác hơn . Phương pháp này quan trọng đến mức mà đôi khi người ta chỉ cần nhìn vào nó đã có thể đánh giá được tiết học đó “thành công” đến mức nào .Thực tế là nhiều lúc giáo viên mỹ thuật quá lạm dụng nó,bởi không phải cứ thật nhiều tranh ảnh thì học sinh sẽ hiểu bài và cảm thụ được tác phẩm, tiết học sẽ trở nên sinh động. Con đường đến với nghệ thuật luôn đòi hỏi sự thẩm thấu và trong quá trình đó đòi hỏi một sự sàng lọc tinh tế và người giáo viên chính là người định hướng cho các em, dẫn dắt các em khám phá thế giới của mỹ thuật,chính vì thế những tác phẩm nghệ thuật được người giáo viên sử dụng phải có tính chất điển hình,chọn lọc, có giá trị nghệ thuật lớn .
Có một lưu ý là Tranh, tượng minh hoạ cần phải gần nhất với nguyên mẫu để tránh sự cảm nhận sai lệch về tác phẩm,thực ra một tác phẩm xa rời với nguyên mẫu sẽ trở nên vô hồn,một minh họa như thế sẽ làm giảm đi rất nhiều chất lượng của tiết dạy, thậm chí là phản tác dụng. Nhất là những tiết thường thức mỹ thuật, người giáo viên cần đưa ra đúng lúc, hợp lý, vừa đủ kết hợp với phương pháp vấn đáp, thuyết trình…những câu hỏi đưa ra cần phải có sự khúc chiết,giúp học sinh đối thoại được với tác phẩm như “Điều gì làm cho tác phẩm có giá trị? Vì sao trò thích nó?….” hay ví dụ như để làm nổi bật được dặc điểm nghệ thuật phục hưng ,chúng ta có thể làm một phép so sánh, đưa ra hai tác phẩm điển hình một của Phục Hưng ,một của trung cổ và hỏi học sinh “Hai bức tranh này có sự khác nhau như thế nào trong cách thể hiện?” Kết luận đưa ra của người giáo viên cần phải có tính xúc tích, ngắn gọn,rõ ý và bao quát,giúp học sinh khắc sâu được kiến thức ngay trên lớp học, khơi dậy cảm xúc về cái đẹp trong mỗi con người .Như vậy phương pháp này chỉ trở nên hiệu quả khi nó gắn liền với các phương pháp khác nhằm bổ trợ cho nhau, làm nổi bật vấn đề của bài học.
Đối với đánh giá bài vẽ của học sinh, giúp học sinh củng cố và khắc sâu kiến thức, chúng ta cần phải đánh giá ở ba cấp độ:tốt ,trung bình, yếu, chỉ ra được cái ưu cái nhược của từng bài, ở khâu này giáo viên thường để cho học sinh tự đánh giá, nhưng theo tôi thì nó không hiệu quả lắm, bởi các em chưa đủ kiến thức cũng như  kinh nghiệm thẩm mỹ ,việc đánh giá theo cảm tính cũng hay nhưng mất thời gian và “a mơ tơ” trong nhận thức của các em, mà thời gian thì chúng ta lại không có nhiều,vì vậy đây vẫn là một hoạt động cần nhiều thuyết trình của giáo viên.
Minh hoạ đẹp, phong phú, phương pháp trực quan sinh động sẽ làm tăng thêm tính hấp dẫn của tiết học và thuyết phục học sinh, nó có tác động quan trọng đến việc cảm nhận tác phẩm, hình thành nên nhận thức thẩm mỹ của các em, rèn luyện cho các em một trực giác nhạy bén, khả năng quan sát và phát hiện những vấn đề trong cuộc sống.

1 nhận xét:

  1. Mỹ thuật là nghệ thuật, vẽ tranh phải có hồn mới gọi là vẽ.
    đào tạo seo

    Trả lờiXóa