Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012


Đường đến trường, đường tương lai( 12/12/2011 15:10:44 )
Căn phòng nhỏ hẹp được chia đôi phòng ngăn cách bằng những tấm gỗ lớn. Không gian trong lớp học trầm lắng, chỉ có 5 bạn học sinh trên ba chiếc bàn nhỏ, mỗi em một độ tuổi. Nhiều tuổi nhất sinh năm 1997, em ít tuổi nhất sinh năm 1995. ..
Sĩ số 7 vắng 2
Lạc giữa trong khuôn viên trường THCS Phúc Sơn (huyện Chiêm Hóa- Tuyên Quang) có một lớp học rất đặc biệt, đó là lớp học bổ túc lớp 7 giành cho các em bỏ học giữa chừng. Ngôi nhà cấp 4 được chia đôi phòng rộng chừng 20m2, 4 cái bàn kê ngay ngắn cùng với chiếc bảng đen cũ kỹ sần sùi mang màu của thời gian. Phòng học nhỏ hẹp là vậy nhưng chỗ ngồi của các em vẫn rất rộng rãi bởi sĩ số lớp có 7 mà vắng mất 2 em nghỉ không rõ lý do. Học sinh ở từng độ tuổi khác nhau, em nhiều tuổi nhất sinh năm 1995, em ít tuổi nhất sinh năm 1997. Nếu tính đúng độ tuổi đi học thì các em đang học lớp 11, 12. Khi được hỏi “cả lớp sao hôm nay có 5 bạn đi học, 2 bạn nữa đâu”. Các em đều trở lời “ chắc các bạn phải ở nhà đi phụ giúp bố mẹ lao động rồi”
Cô giáo Vũ Thanh Thủy chủ nhiệm lớp cho biết: “ Cả 7 em học sinh đều ở trong thôn Tầng, là một trong 3 thôn nằm trong Chương trình 135 của Chính Phủ, thôn Tầng cách trường 6 km nhưng đường rất khó đi, gặp phải trời mưa to đường lầy lội, xe đạp không đi nổi, dắt bộ đường trơn còn bị ngã. Các em học sinh học tại lớp bổ túc đều đã nghỉ học được 2-3 năm nay, gia đình các em đều có hoàn cảnh khó khăn nên phải nghỉ học để phụ giúp công việc gia đình”

 


Cô giáo Vũ Thanh Thủy động viên các em học sinh trong giờ ra chơi

Em Đặng thị Nhất (sinh năm 1995, dân tộc Dao) nói về lý do nghỉ học của mình: “ em vào học lớp 6 được một thời gian thì phải nghỉ học, do gia đình nghèo quá không có tiền đi học, em phải ở nhà đi chăn trâu phụ giúp công việc gia đình cho bố mẹ. Hơn nữa nhà cách xa trường 6 km, hàng ngày đến trường phải đi bộ, nhà em nghèo lắm không có tiền mua xe đạp nên bố mẹ bảo em ở nhà phụ giúp công việc gia đình.Cũng may bây giờ đến trường em có được chiếc xe đạp cũ”
Em Phùng Sào Tài (sinh năm 1996, dân tộc Dao) tâm sự: “ Đang đi học cùng các bạn, thời gian đầu em phải nghỉ học nên cũng thấy buồn và trống trải lắm, nhưng do trường cách xa nhà, bố mẹ không có tiền cho học nội trú nên em phải bỏ học giữa chừng”
“Tới từng làng, gõ cửa từng nhà”

Với mục tiêu đặt ra “ Toàn bộ học sinh của Phúc Sơn phải được phổ cập giáo dục hết lớp 9, không để em nào bỏ học giữa chừng”. Ban giám hiệu nhà trường cùng thầy cô giáo trong trường cùng nhau đưa ra phương châm hành động, “đến từng làng, gõ cửa từng nhà “ vận động các em tiếp tục đi học. Mỗi giáo viên được phân công chủ nhiệm một năm, từ lớp 6 đến lớp 7 trường đã vận động được 7 em học sinh bỏ học giữa chừng đi học tiếp. Các cô giáo trong trường không quản ngại đường xá xa xôi, hàng ngày cần mẫn đến gặp gỡ trò chuyện cùng phụ huynh động viên họ cho các em đi học. Đâu phải lần vận động nào cũng thành công, có lần phải đi năm bẩy lượt mới gặp được học trò, đến nhà phụ huynh không tiếp, họ bỏ lên nương mất. Cô giáo lại lủi thủi đi về, nhưng bằng lòng yêu nghề cùng với tấm lòng thương yêu học sinh các cô không nản chí quyết tâm vận động bằng được học sinh đi học
Cô giáo Ma thị Hoản, giáo viên dạy Văn là người có thâm niên công tác lâu năm tại trường Phúc Sơn và cô cũng là người rất nhiều lần đến nhà vận động các em đến trường. Cô tâm sự: “ Nhiều hôm vận động các em không được, tôi cũng thấy nản chí và buồn lắm. Nhưng vì thương học trò, muốn chúng có được cái bằng cấp 2 sau này có muốn học cái nghề cũng còn dễ. Mỗi lần đến nhà học sinh, tôi phải ngồi chờ bằng được phụ huynh đi làm về, phân tích cho họ hiểu những thuận lợi khi tốt nghiệp được cấp 2. Hơn nữa, nhà trường sẽ cho mượn toàn bộ sách vở và bút mực, mỗi tháng các em còn được phụ cấp thêm 70 nghìn từ nhà nước. Vận động mãi, họ nghe thấy xuôi tai nên mới cho con đi học”.


Cô giáo Nguyễn Thanh Tâm (giữa) hướng dẫn các em ôn tập bài.

Cô giáo chủ nhiệm Vũ Thanh Thủy tâm sự: “ Mỗi lần đi vận động các em đến trường thấy gian nan lắm, đường vào thôn Tầng toàn đường đất, đá sỏi lởm chởm khó đi lắm, gặp phải hôm trời mưa, đường lầy không đi được, bánh xe quyện đầy bùn đất, người ướt như chuột, tôi phải cố gắng lê lết mới về được tới nhà. Lúc đó nước mắt chỉ muốn ứa ra vì khổ quá. Ngày hôm sau thấy đi học nên cũng thấy an ủi về công sức mình bỏ ra phần nào”
Cô giáo Thanh Tâm giáo viên dạy môn Sinh cho biết: “ Hôm nay 2 em học sinh Phùng Toàn Thắng (sinh năm 1997, dân tộc Dao) và em Đặng thị Tuyến (sinh năm 1995, dân tộc Dao) không đến lớp. Chỉ thêm một ngày nữa các em không đi học là chúng tôi lại phải đến nhà, tìm hiểu tình hình thăm hỏi và động viên em đến trường học. Làm giáo viên vùng núi vất vả lắm. Công tác dân vận lúc nào cũng đạt điểm 10”
Rời khỏi lớp học, trong không gian trầm lắng, chúng tôi nghe được câu hát véo von trong bài “Đi học xa” của một em học sinh Tày. “Chân em bước trên đường gập ghềnh. Xuống núi, xuống núi đi học chữ đường về trường còn xa lắm đấy. Hôm nay đi học xa, đường tương lai đường gần. Nhanh nhanh chân các bạn ơi thầy cô đang mong chờ...”
Hương Thắm



Nghĩa tình cô giáo miền xuôi( 12/12/2011 12:15:08 )
“Khi nhìn thấy đàn em nhỏ thơ ngây đưa từng ánh mắt dõi theo mình. Tôi thấu hiểu đó là nỗi mong chờ, háo hức. Chúng bé nhỏ, ngây thơ, mỏng manh và đáng yêu quá. Dưới cái giá rét của miền sơn cước, các em chỉ có cái áo sơ mi mỏng, bàn chân lấm đầy bùn đất không mang tất, đôi dép tổ ong vẩn đục mòn gót. Khép nép một góc, co ro nhìn cô giáo dưới xuôi với ánh mắt “len lén, tò mò,rụt rè”.
Hành trình của tình yêu thương
Bỏ qua cuộc sống phồn hoa, nhộn nhịp nơi đô thị, chúng tôi vượt chặng đường xa hơn 200 km đến với thầy cô và học sinh trường THCS Phúc Sơn ( Chiêm Hóa- Tuyên Quang). Bước xuống xe, trời đã tối đen như mực, cơn gió lạnh của núi rừng ùa vào làm tất cả chúng tôi thấy rùng mình. Mọi người trong đoàn đều đã thấm mệt, nhưng mọi mệt mỏi đều được xua tan bởi sự đón tiếp ân cần, chu đáo của thầy và trò trường THCS Phúc sơn.

Cô giáo Nguyễn Thuý Hậu cùng thầy Nguyễn Văn Phong
(Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Sơn tặng quà cho học sinh nghèo)
    
Mục đích của chuyến đi lần này của thầy cô trường Lê Ngọc Hân mang rất nhiều ý nghĩa, thể hiện tình cảm gắn bó, giao lưu đoàn kết giữa hai trường kết nghĩa. Bên cạnh đó là sự chia sẻ về chuyên môn nghiệp vụ của cô giáo Nguyễn Thúy Hậu,Tiến sĩ văn học, giáo viên dạy văn trường THCS Lê Ngọc Hân cùng với thầy trò trường THCS Phúc Sơn. Đáng quý hơn nữa là sự gửi gắm tình yêu thương của cô giáo Hậu trong 70 chiếc áo rét cho các em học sinh nghèo Phúc Sơn.
Tiết dạy mẫu bài đọc thêm "Muốn làm thằng cuội" của cô giáo Hậu lớp 8C (TrườnG THCS Phúc Sơn)

Tiết dạy mẫu bài đọc thêm: " Muốn làm thằng cuội" của cô giáo Hậu tại lớp 8c( THCS Phúc Sơn)
Mang trong mình vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng và hiền từ. Đúng như tên gọi của cô, Cô giáo Nguyễn Thúy Hậu, giáo viên dạy Văn trường THCS Lê Ngọc Hân đã đọng lại ấn tượng sâu sắc trong lòng thầy cô và các em học sinh trường THCS Phúc Sơn bởi lòng chân thành, yêu thương học sinh xuất phát từ chính trái tim, 70 chiếc áo khoác cô mang theo trong suốt chặng hành trình do chính tay cô chọn vải, đặt may. Chúng được gửi gắm trong đó là tình yêu và nỗi thương cảm đối với các học trò nghèo
Buổi sáng thứ Năm, giữa cái giá rét của mùa đông, cô giáo Hậu đứng trước học sinh toàn trường THCS Phúc Sơn. Giọt nước mắt đã lăn dài trên khuôn mặt cô giáo miền xuôi: “Khi nhìn thấy đàn em nhỏ thơ ngây đưa từng ánh mắt dõi theo mình. Tôi thấu hiểu đó là nỗi mong chờ, háo hức. Chúng bé nhỏ, ngây thơ, mỏng manh và đáng yêu quá. Dưới cái giá rét của miền sơn cước, các em chỉ có cái áo sơ mi mỏng manh, bàn chân lấm đầy bùn đất không mang tất, đôi dép tổ ong vẩn đục mòn gót. Khép nép, co ro nhìn cô giáo dưới xuôi với ánh mắt len lén, tò mò, rụt rè”. Hình ảnh đó làm trái tim tôi xót xa quá. Tôi chỉ ước mình có thể giúp đỡ được nhiều em học sinh hơn nữa”. Cô Hậu nghẹn ngào chia sẻ
Thầy Nguyễn Văn Phong, hiệu trưởng nhà trường đã có lời cảm ơn và ghi nhận tấm lòng chân thành của cô giáo Hậu: “ Chúng tôi rất xúc động trước sự nhiệt tình, tình cảm quý báu của cô giáo Hậu giành cho các em học sinh nghèo trong trường. Nghĩa cử cao quý của cô giáo càng thể hiện sự gắn bó đoàn kết, chia sẻ ngọt bùi “lá lành đùm lá rách” giữa hai nhà trường THCS Lê Ngọc Hân và THCS Phúc Sơn”
Được mặc áo khoác mới, các em học sinh trường THCS Phúc Sơn mừng lắm, chúng cười đùa ríu rít, khuôn mặt rạng rỡ. Nhiều em người nhỏ quá, mặc chiếc áo khoác rộng thùng thình nhưng khuôn mặt thì vẫn lấp lánh nụ cười. Em Nông thị Sen ( dân tộc Tày – học sinh lớp 8c) vui mừng nói khi nhận được áo ấm: “Mùa đông năm nay em đã có áo mới để mặc, áo khoác của cô Hậu ấm lắm, chưa bao giờ em được mặc chiếc áo này dày và ấm áp đến vậy. Chúng em cảm ơn cô giáo Hậu nhiều lắm”.
Cô giáo Hậu mặc áo ấm cho học sinh người dân tộc Dao

“Đã lâu lắm rồi em mới có được chiếc áo khoác mới để mặc, chiếc áo của cô giáo Hậu dày và ấm lắm, Tết sắp đến rồi mẹ không phải lo tiền mua áo ấm cho em mặc nữa. Em thấy vui lắm! Cô giáo Hà Nội như ngọn lửa sưởi ấm tấm lòng em” Đó là những lời nói đầy xúc động của em Chẩu Quang Huy( dân tộc Tày – học sinh lớp 9b) có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng em đã cố gắng vươn lên trong học tập.
Niềm vui được nhân đôi
Thời tiết Phúc Sơn vào những ngày mùa đông rất giá rét nhưng vẫn có chút nắng hửng giữa trưa, không khí trong trường THCS Phúc Sơn rộn ràng tiếng ca hát, các lớp học vui tươi nhộn nhịp hơn hẳn ngày bình thường. Được đón cô giáo ở dưới xuôi lên các em học sinh phấn khởi lắm, không chỉ bởi vì có thêm áo ấm để mặc, mà điều đặc biệt hơn cả là các em được nghe cô giáo Hà Nội giảng bài, em nào cũng tò mò, háo hức. Trong chuyến lên thăm Phúc Sơn lần này, cô giáo Hậu đã giảng hai bài văn nằm trong chương trình đọc thêm của lớp 8 và lớp 7. Bài “ Muốn làm thằng cuội” của Tản Đà( chương trình lớp 8) và bài “ Mùa xuân của tôi” của Vũ Bằng (chương trình lớp 7). Cả phòng học im phăng phắc, giọng nói của cô giáo Hậu vang lên trong trẻo và ấm áp đến lạ thường, các thầy cô giáo đến dự và các em học sinh như nuốt từng câu, từng chữ trong bài giảng của cô. Với lối giảng bài mới lạ, cuốn hút học sinh đi vào chủ đề trọng tâm trong bài giảng, cô Hậu đã tạo nên không khí sôi nổi trong phòng học, các em học sinh được khám phá những điều hết sức mới mẻ trong bài, khai thác triệt để tư duy sáng tạo của các em. Thầy Lê Viết Phương, chuyên viên phòng giáo dục huyện Chiêm Hóa, rất tâm đắc về hai giờ giảng của cô giáo Hậu: “ Giờ giảng của cô giáo Hậu không phải là giờ văn mẫu mà nó như là giờ thảo luận chia sẻ, khơi gợi sự sáng tạo của học trò, tạo được sự hứng thú đối với bài giảng của các em. Ở cô chúng tôi học được cách khai thác một văn bản đọc thêm khác với văn bản phân tích và chúng tôi như những “cánh hạc muốn bay mà không cất mình lên được”. Chính cách dạy của cô giáo Hậu đã đem đến ánh sáng mới về phong cách dạy môn văn cho các thầy cô giáo ở huyện Chiêm Hóa, cô giống như người thầy của tất cả giáo viên chứ không chỉ của các em học sinh”
Cô giáo Ma thị Hoản giáo viên dạy Văn, Chủ nhiệm lớp 8c phấn khởi nói: “ Cùng là cô giáo dạy Văn, nhưng khi được dự tiết giảng của cô giáo Hậu chúng tôi thấy mình còn nhỏ bé quá. Phong cách giảng dạy cùng kiến thức bài giảng của cô giáo Hậu khiến chúng tôi phải học hỏi rất nhiều và từ bài giảng của cô Hậu tôi thấy mình cần phải trau dồi kiến thức và nghiệp vụ hơn nữa, thấy tâm huyết với nghề và yêu môn Văn nhiều hơn”
Em Đỗ thị Hoàng Yến lớp trưởng lớp 8C cho biết: “ Em thấy giờ giảng của cô Hậu rất hay, cô giáo đã dẫn dắt đưa chúng em đến với bài giảng một cách rất gần gũi, với những ví dụ thực tế. Em mong muốn sẽ có thêm được nhiều giờ giảng hay như thế này để học sinh vùng cao có thể mở rộng thêm được sự hiểu biết của mình. Chúng em vẫn còn thiệt thòi quá”

Hương Thắm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét