Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012


ĐÔI LỜI VỀ SỰ TU DƯỠNG CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN

ĐÔI LỜI VỀ SỰ TU DƯỠNG CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN
Lê Thị Thanh Thủy

Lỗ hổng- Ma Văn Tiềng
Đã có nhiều bài báo viết về vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh, và giờ đây bạn cũng dễ dàng tìm ra những dẫn chứng trên internet về sự xuống dốc trong đạo đức và lối sống của giới trẻ, nào là clip đánh nhau của các nữ sinh, nào là các vụ hành hung thầy cô giáo…Quả thực giáo viên bây giờ mang trên mình khá nhiều áp lực và căng thẳng. Có không ít người bước vào nghề được tầm dăm năm đã sinh ra tâm lí chán chường bất mãn.
Song nói đi thì cũng phải nói lại, không phải người giáo viên nào cũng làm việc bằng tâm huyết và sự yêu thích của bản thân, thật buồn thay vẫn có những người “cố gắng “đến với nó như một thứ trang sức cần có, sau khi luồn lách qua mọi cánh cửa thì cũng đánh rơi luôn cả chữ “tâm” đối với nghề, có những người giáo viên không ý thức được việc trau dồi kiến thức và nhân cách của mình nhìn học sinh với ánh mắt lạnh lùng và “khinh miệt” để rồi miệng cứ xoen xoét nói rằng “học sinh bây giờ mất dạy lắm” với giọng điệu của kẻ bề trên đạo mạo ,tự cho mình là “học thức”. Có những người giáo viên mà mỗi thế hệ đi qua cuộc đời họ thực sự là một sự bất hạnh và thiêt thòi ! thật đáng nguy thay!
Trong khi chúng ta cứ ngồi mà lên án các em, tại sao chúng ta không lật lại vấn đề rằng để giáo dục học sinh trước hết người giáo viên cần phải rèn luyện tu dưỡng bản thân mình. Cái thú vị của ngề giáo chính là ở chỗ bạn sẽ ngày càng khám ra ra nhiều hơn chính bản thân mình, và chỉ khi nào bạn hiểu được bản thân mình bạn mới có thể hiểu được người khác và giúp đỡ họ.
Khoa học đã chứng minh rằng một đứa trẻ hai tháng tuổi có thể cảm nhận được tình cảm của người lớn dành cho mình, lẽ nào các em lại không cảm nhận được bạn là người như thế nào? Có thực sự quí trọng nó hay không? Có nhiều lí do để chúng ta không muốn trau dồi nghề nghiệp , nhưng chúng ta làm điều đó trước hết là vì hạnh phúc của chính mình, để khẳng định mình và có được sự tôn trọng của người khác. Làm sao mà bạn có thể giáo dục cho các em khi mà bạn không khẳng định được nhân cách của bản thân mình. Sự phát triển của học sinh xét về mặt nào đó chính là sản phẩm của người thầy và tất nhiên khi sản phẩm không có kết quả thì điều đầu tiên là người thầy cần phải xem lại chính bản thân mình trước đã.
Thầy giáo tôi ngày xưa có 4 câu thơ trong đó có hai câu thế này :” Dạy người , người dạy câu tình nghĩa/ Ai nhớ ai quên để vui buồn” cái tâm của người giáo viên là ở chỗ đó. Sở dĩ xã hội dành cho chúng ta 3 mỹ tữ “ nghề cao quý” là bởi tính chất nhân văn cao thượng của nghề này. Ông tôi cũng là một thầy giáo đã từng nói với mẹ tôi rằng” làm nghề giáo đi con ah! Chẳng giàu gì nhưng sau này con của con ra đường có ngã thì người ta còn nhấc nó dậy” giờ đây ông tôi đã rời khỏi thế giới này cũng đã gần 12 năm, nhưng chưa có năm nào đến ngày giỗ ,ngày tết mà không có học trò về thắp cho ông một nén hương. Vậy đấy nhân cách của bạn không chỉ ảnh hưởng lớn đến người khác mà trước hết nó chính là tấm gương sáng cho con cái bạn noi theo, nó có sức cảm hóa hơn bất cứ một lời giáo huấn sáo rỗng nào.
Để đào tạo nên những người giáo viên có đầy đủ những phẩm chất và năng lực cần có , đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận lại phương thức đào tạo đối với nghành sư phạm hiện nay. Sự thật là chất lượng đào tạo hiện nay đối với nghành giáo dục chưa cao, sinh viên ra trường rất khó khăn trong khâu tìm việc, học ra lại rất khó khăn khi chuyển đổi sang nghành nghề khác , lương thấp khiến cho nó đang trở thành một nghề” chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”
Theo như kinh nghiệm của tôi thì tôi thấy chương trình học của khoa sư phạm thường ít chuyên sâu về chuyên nghành , trong khi đó thì chuyên môn mới là điều quyết định, các môn học về lý thuyết như tâm lí ,giáo dục….lại quá nặng mà thực ra học xong là quên hết ,một phần cũng do cách dạy và học còn máy móc nặng nề , đây là những môn học rất quan trọng nó đóng vai trò là một bộ môn khoa học lí luận dạy học làm nền tảng cho những nghiên cứu và sáng tạo trong dạy học của người giáo viên nhưng cách dạy nặng về ghi nhớ lí thuyết của nó hiện nay khiến cho môn học mất đi tính ứng dụng và sáng tạo.Sinh viên theo sư phạm đa phần cũng không thực sự có tình yêu với nghề .Làm thế nào để nuôi dưỡng tình yêu đó? Tôi đã từng xem những bộ phim của Mỹ nói về những tấm gương về người thầy được lấy nguyên mẫu từ cuộc đời thực rất cảm động, nó còn bao gồm cả kinh nghiệm và phương pháp sư phạm được rút ra từ cuộc đời họ , Hay những tác phẩm về” bài ca sư phạm” cuả Nga. Còn chúng ta , chúng ta chưa thực sự có một tác phẩm nghệ thuật nào tôn vinh người thầy giáo làm rung động lòng người, đứng mà hô hào về “tôn sư trọng đạo “ thì phỏng ích gì! Rồi đến vấn đề thực tập của sinh viên được quản lý khá lỏng lẻo khiến cho chất lượng của nó chưa cao. Sau tất cả những vấn đề đó còn là vấn đề tuyển dụng. Làm thế nào để các nhà quản lý có thể chọn ra những người có tri thức và có tâm với nghề ? hay những người thực sự tâm huyết lại bị bỏ quên còn những kẻ đầu cơ thì lại hiển nhiên đứng trên mục bảng ! Làm sao để có thể sử dụng những con người đã được đào tạo hay lại chuyển sang một hình thức mới để cho ra lò những sản phẩm “Đa năng”? Tất cả vẫn còn là nhưng câu hỏi lớn, mà câu nào cũng cần những nghiên cứu mang tính chuyên sâu.
Trong khuôn khổ của một bài viết nhỏ và năng lực có hạn của bản thân tôi không có tham vọng làm sáng tỏ những vấn đề trên , mà chỉ viết ra những suy nghĩ của mình như một sự trao đổi. Dù cơ chế nào có được ban ra, phương thức nào có được thay đổi thì yếu tố quyết định nhất vẫn là yếu tố con người, chính vì vậy mà sự tu dưỡng của người giáo viên thực sự rất quan trọng và trở thành một khâu then chốt , trước khi nói đào tạo nên những con người mang cốt cách Việt.Xin mượn một câu cách ngôn để kết thúc cho bài viết :”Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng thật đáng trách, nhưng sự cẩu thả trong nghế giáo thì thật là Tàn nhẫn “
Hà nội 3-10-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét