Phê bình HS thế nào cho hiệu quả?
Phê bình học sinh chưa tốt thế nào cho hiệu quả ?
Tôi dùng cụm từ dài dòng “học sinh chưa tốt” thay vì “học sinh hư” như ý kiến một số độc giả đăng trên Báo Thanh Niên ngày 4.11.2005 với suy nghĩ rằng các học sinh mắc lỗi hoàn toàn có thể là học sinh tốt. Nói một con người hay một vật là hư, có nghĩa con người đó, vật đó có những rệu rã bên trong mà một nỗ lực sửa chữa, phục hồi tối đa vẫn để lại những vết sẹo lớn. Tôi thiết nghĩ học sinh mắc sai phạm, khuyết điểm không nên bị gọi là “học sinh hư”.
Khoản 2, điều 15 “Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học” của Bộ Giáo dục – Đào tạo ngày 30.9.2005 nói rằng: “Giáo viên phụ trách lớp không thông báo trước lớp và trong cuộc họp cha mẹ học sinh những điểm chưa tốt của từng học sinh”. Tôi cho rằng đây là một cách tiếp cận rất hay trong việc giáo dục, rèn luyện học sinh. Có người cho rằng khoản này chưa nói đến một giải pháp khả dĩ giúp giáo viên xử lý các trường hợp học sinh vi phạm. Tuy nhiên, với sự nhạy cảm và tấm lòng, trách nhiệm của một người thầy, tôi nghĩ mỗi giáo viên chủ nhiệm có thể tìm ra cách giải quyết hợp lý với mỗi trường hợp cụ thể.
Có lần, tôi đến một trường tiểu học tại thủ đô Brussels của Bỉ để viết bài về nền giáo dục tiểu học của quốc gia này. Trong lúc tôi tiếp xúc với Ban giám hiệu thì các học sinh đang trong giờ ra chơi. Khi các em trở vào lớp thì một cô giáo dẫn tôi đi thăm tất cả các lớp học, từ lớp mầm của các cháu 2 tuổi rưỡi cho đến lớp 5 của các em 11 tuổi. Tại lớp học cuối cùng mà tôi đến, các học sinh lớp 5 đang trong giờ học môn toán. Thầy giáo đang giảng bài thì một học sinh nữ xin phép thầy ra khỏi lớp. Tôi nghĩ rằng em đi vệ sinh.
Nhưng không phải, em đi gặp cô phó hiệu trưởng ở một cái bàn kê trên hành lang gần phòng học của em. Họ ngồi và nói với nhau điều gì đó mà tôi không thể nghe được. Tôi len lén chụp một bức ảnh em đang ngồi đối diện cô với một vẻ mặt buồn thiu, đầy hối lỗi. Hẳn là em đã vi phạm một điều gì đó và giờ đây em đang chịu những lời quở trách của cô.
Chúng ta nhận thấy rằng, nhà trường đã không lấy mất giờ ra chơi của em để quở trách và cũng không làm to chuyện. Khi tôi chia tay cô giáo dẫn đường thì cũng là lúc em học sinh được cô phó hiệu trưởng cho phép trở về lớp, đàng hoàng như là em vừa trong nhà vệ sinh đi ra.
Giản dị, không ồn ào nhưng tôi tin cách làm này có tác dụng giáo dục tốt đối với học sinh trót mắc sai phạm. Điều đó khiến tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến cậu em trai của mình. Em tôi bỏ học giữa năm lớp 8 cũng chỉ vì cách xử sự thiếu tế nhị của giáo viên chủ nhiệm. Em tôi vi phạm một lỗi khá nặng là đánh bạn học cùng lớp. Thay vì có hình thức phạt thỏa đáng và thông báo với gia đình, cô giáo chủ nhiệm của em không làm vậy. Cứ vào mỗi đầu giờ học của cô, cô bắt đầu nói cạnh nói khóe và la mắng học sinh. Dù cô không nêu đích danh nhưng mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía em tôi. Em tôi xấu hổ và cảm thấy lớp học là một “địa ngục” nên đã trốn học cả tháng trời mà gia đình tôi không hề hay biết. Nhà trường và cô giáo cũng chẳng thông báo gì, cho đến một ngày gia đình tôi nhận được giấy báo rằng Ban giám hiệu quyết định đuổi học em tôi. Gia đình tôi thuyết phục như thế nào thì thằng bé cũng không chịu đi học trở lại bởi “con không thể nhìn mặt các bạn cùng lớp nữa!”. Giờ đây, mỗi khi nhìn lại bạn bè học hành đến nơi đến chốn, thằng bé lại nghĩ đến cô giáo mình với một tâm trạng cay đắng.
Học sinh vốn hiếu động và đôi khi cũng rất bốc đồng. Chúng ta làm sao giúp các em nhận ra lỗi lầm mà không phải mang một mặc cảm nặång nề, tạo cho các em thiện chí sửa chữa và không tái phạm mới là giáo dục đúng cách. Cha mẹ học sinh cũng không ai muốn bị bẽ mặt trước những phụ huynh khác bởi sự học hành yếu kém hay lỗi lầm của con em mình. Vì vậy, giáo viên nên tế nhị gặp riêng phụ huynh để bàn bạc cách cùng nhau giúp các em khắc phục những điểm chưa tốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét