Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Những ký ức về khoa Mỹ thuật qua bốn mươi năm


Những ký ức về khoa Mỹ thuật qua bốn mươi năm


                                                                      Trần Công Phú
                                                         Phó Trưởng khoa Mỹ thuật cơ sở
                                                      Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

            Ngày ấy (tháng 10 năm 1970) cách đây đã gần 40 năm, chiếc xe ôtô từ từ lăn bánh rời khỏi thị xã Sơn La, đưa tôi cùng những  hành khách khác trên con đường sỏi đá ghập ghềnh rời xa miền núi rừng Tây Bắc tiến về Thủ đô Hà Nội.
Rời xa Tây Bắc với giấy báo nhập học hệ Hội họa - trường Sư phạm Thể dục - Nhạc - Họa Trung ương trong tay, tôi háo hức vì được về Thủ đô học, vì mình sắp được học Hội họa, cái ngành mà tôi yêu thích từ thuở nhỏ. Đến trường, sau khi làm thủ tục nhập học tôi hơi buồn và thất vọng một chút vì địa điểm trường đóng không phải là Hà Nội mà đó là Mai Lĩnh, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Thời gian trôi đi, quen thầy, quen bạn, bớt nhớ nhà, việc học tập ngày càng có nhiều điều mới mẻ, thú vị, tôi dần thấy yêu thích, hứng thú học tập, hoà mình vào các buổi học tập và các hoạt động khác của lớp và của nhà trường. Xin nói thêm, lớp giáo sinh Hội họa chúng tôi là lớp giáo sinh Hội họa khoá I gồm 41 người (khoá Hội họa đầu tiên của nhà trường).
Học tập được một thời gian ngắn, thầy trò toàn hệ Hội họa hồ hởi, phấn khởi chuẩn bị cho Lễ khai giảng đầu tiên của khoá học, đồng thời cũng là lễ khai sinh ra Hệ Hội họa, em út của trường Sư phạm Thể dục-Nhạc-Họa Trung ương với mã ngành là T20-BC14D (tiền thân của khoa Mỹ thuật- trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc-Họa Trung ương nay là trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương). Thời gian đầu mới thành lập, hệ Hội họa chỉ có 7 thầy giáo được Bộ Giáo dục cử về, đó là: thầy Trịnh Thiệp (Hệ trưởng – sau này là Phó hiệu trưởng nhà trường), thầy Lê Anh Minh (Vĩnh Phú), thầy Trần Công Hiệu (Hà Nội), thầy Nguyễn Duy Lộc (Hải Phòng), thầy Nguyễn Xuân Thảo (người con thành phố Huế tập kết ra Bắc), thầy Trần Văn Phú và thầy Nguyễn Thanh Minh (những người con miền Nam tập kết ra Bắc),. Năm 1971 được Bộ Giáo dục giao nhiệm vụ tiếp quản thêm cơ sở mới tại Km 9 Thanh Xuân-Hà Nội, nhà trường đã quyết định chuyển toàn bộ giáo viên và giáo sinh hệ Hội họa ra tiếp quản học tập tại đó (gọi là khu A- trường cũ tại Mai lĩnh gọi là khu B). Lúc này trường đã tuyển thêm các khoá mới nên giáo sinh hệ Hội họa đã có thêm khoá 2.
Việc học tập, giảng dạy đang đi vào nề nếp thì đầu năm 1972, giặc Mỹ leo thang ném bom, bắn phá miền Bắc lần 2; thầy trò hệ Hội họa cùng toàn trường ba lô, khăn gói họa phẩm lên đường đi sơ tán vào sống cùng với bà con nông dân ở làng Phượng, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà tây một thời gian rồi sau đó  lại tiếp tục khăn gói đi sơ tán xa hơn, lên sống cùng bà con nhân dân tại thị trấn Gốt, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây.
Để đảm bảo tiến độ đào tạo cũng như kế hoạch chất lượng học tập và an toàn nơi sơ tán, thầy trò đã cùng nhau khắc phục khó khăn tạo ra những lớp học nhỏ dã chiến dưới những lùm cây trên đồi. Để có phương tiện phục vụ học tập, thầy trò chúng tôi đã đi bộ hàng mấy chục cây số trong đêm tối để về trường khuân vác lên nơi sơ tán những bức tượng mẫu thạch cao và các dụng cụ học tập khác. Học tập tại nơi sơ tán chiến tranh tuy rất vất vả, thiếu thốn, ở nhờ nhà dân, ăn uống do thầy trò cùng nấu, lương thực chủ yếu là bột mỳ trộn nước nặn thành bánh rồi đem luộc, một thứ bánh mà chúng tôi gọi là “bánh nắp hầm” (vì nó có hình dạng giống cái nắp hầm tăng-xê để trú ẩn máy bay trong thời gian chiến tranh chống Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc), nhưng đó lại là những ngày tháng đáng nhớ nhất, nhiều kỷ niệm nhất trong cuộc đời sinh viên của chúng tôi.
Tổ quốc kêu gọi, một số thầy trò tình nguyện lên đường nhập ngũ tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc; vì vậy lớp giáo sinh khoá 1 chúng tôi chỉ còn 34 thành viên. Trong số những người nhập ngũ có những người đã mãi mãi ra đi vì độc lập thống nhất của Tổ quốc, có những người tiếp tục phục vụ trong quân đội hoặc chuyển ngành, cũng có những người sau này đã trở về trường tiếp tục giảng dạy (như thầy Trần Công Hiệu nguyên Trưởng phòng Đào tạo nhà trường) và học tập ở các khoá sau.
Cán bộ quản lý và sinh viên Nhà trường năm 1987

Cuối năm 1972 sau khi quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri (tháng 1 năm 1973) lập lại hoà bình ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, thầy trò hệ Hội họa lại trở về khu A tiếp tục học tập trong niềm vui hân hoan chiến thắng của đất nước, sau đó thầy trò hệ Âm nhạc cũng chuyển ra khu A giảng dạy và học tập (đây là cơ sở chính của trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc-Họa TW sau này).
Sau chiến tranh, cơ sở vật chất của nhà trường còn khó khăn, thiếu thốn, thực hiện khẩu hiệu “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt” thầy trò lại cùng nhau làm đường, dọn dẹp, tiếp quản các phòng học và dựng thêm nhà làm lớp học, làm ký túc xá sinh viên (nhà cấp 4 lợp bằng giấy dầu, vách che bằng phên nứa). Cơ sở vật chất tuy còn thiếu thốn song phong trào thi đua giảng dạy, học tập của thầy trò toàn trường vẫn sôi động.
Cuối năm 1973 khoá 1 (khoá đầu tiên của hệ Hội họa) chúng tôi đã tốt nghiệp, 34 giáo sinh/34 cánh chim sư phạm Hội họa đầu tiên của trường tung bay về mọi miền của Tổ quốc tham gia làm nhiệm vụ giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ Việt Nam (đức - trí - thể - mỹ). Tôi cùng 5 người bạn đồng khoá được nhà trường giữ lại làm giảng viên (năm 1974), đó là thế hệ thầy cô giáo thứ hai của khoa Hội họa- nay là khoa Mỹ thuật (đó là các thầy: Trần Tiểu Lâm, Đào Duy Hùng, Vũ Ngọc Thanh và các cô: Phạm Thị Chỉnh, Lê Thị Chuyên).
Năm 1975 cùng các thầy giáo cũ, chúng tôi háo hức lên đường toả đi khắp mọi miền để tuyển sinh lớp sinh viên khoá 5; thầy Nguyễn Xuân Thảo cùng cô Phạm Thị Chỉnh đi Lạng Sơn, Cao Bằng, tôi cùng thầy Trần Công Hiệu vào miền trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình), các thầy cô khác tham gia tuyển sinh tại trường và các tỉnh gần Hà Nội. Tuy phải đi tuyển sinh xa song kết quả thu được khá tốt nên thầy trò trong khoa đều phấn khởi vì đã tuyển sinh được một khoá sinh viên giỏi, khoá 5 sau khi tốt nghiệp đã được nhà trường giữ lại 3 người làm giảng viên (đó là thế hệ sinh viên thứ 2 được giữ lại làm giảng viên gồm: cô Nguyễn Thị Mai Thanh, cô Trịnh Ánh Nguyệt, thầy Ngô Xuân Bính).
Năm 1980 thế hệ sinh viên thứ 3 được giữ lại làm giảng viên tại khoa gồm: cô Nguyễn Thị Nhung, cô Nguyễn Thị Dung, thầy Đặng Xuân Cường, thầy Nguyễn Minh Đàng, thầy Nguyễn Ngọc Sinh (phòng Đào tạo).
Gần 40 năm qua, khoa Mỹ thuật cùng nhà trường đã đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên có chất lượng trong đó có các sinh viên nước bạn Lào như: Kẹo Đuông Ta, Thu Ma, Ba Lốt, Khăm Phăn, Xẻng Khăm, Sạ Lởm Chăn v.v…nay họ đang là những giảng viên, những cán bộ cốt cán của nền Mỹ thuật Lào. 
Nhìn lại chặng đường 40 năm, khoa Mỹ thuật (nay là khoa Sư phạm Mỹ thuật và khoa Mỹ thuật cơ sở) đã đào tạo được hàng ngàn giáo viên Hội họa cho sự nghiệp giáo dục của đất nước, nhiều người đã và đang cống hiến tài sức của mình cho Tổ quốc, góp phần làm nên thương hiệu Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương mà tiền thân là trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc-Họa Trung ương.
Cán bộ, giảng viên Khoa Sư phạm Mỹ thuật

Cán bộ, giảng viên khoa Mỹ thuật cơ sở

Bốn mươi năm trưởng thành lớn mạnh, gần bốn mươi năm trường đóng tại Thanh xuân đã để lại bao kỷ niệm đẹp cho lớp lớp các thế hệ thầy trò. Dù có đi đâu vẫn mãi nhớ về trường, nhớ những kỷ niệm đẹp của thời thanh xuân đầy bùi ngùi lưu luyến, như thầy Nguyễn Thanh Minh nói: “Ở Thanh Xuân thấy thanh xuân, xa Thanh Xuân vẫn nhớ hoài Thanh Xuân”. Nhớ về nơi có mái trường sư phạm nghệ thuật (Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc-Họa Trung ương nay đã lớn mạnh thành trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương), cái nôi đào tạo ra những người thầy giáo nghệ thuật, phục vụ sự nghiệp giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ của đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét