Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Độc đáo lễ hội các dân tộc Tuyen Quang


Độc đáo lễ hội các dân tộc

TQĐT - Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm trên 50% dân số. Các dân tộc còn lưu giữ được vốn văn hóa - nghệ thuật độc đáo, đậm bản sắc, góp phần tăng thêm sự hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch của tỉnh nhà. Dưới đây là một số nét văn hóa - nghệ thuật độc đáo hiện đang được lưu truyền trong nhân dân.
 

 
 Lễ rước mẫu đền Hạ tại thành phố Tuyên Quang.
                                                                  Ảnh: Hà Anh

Lễ hội Nhảy lửa

Nhảy lửa là một lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc của dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình). Trong 2 năm qua, lễ hội được phục dựng đã tạo được sự đồng thuận của người dân nơi đây. Lễ hội thể hiện sức mạnh phi thường của người Pà Thẻn muốn chinh phục thiên nhiên, làm chủ cuộc sống. Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn được tổ chức vào đầu năm để cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà hạnh phúc mùa màng bội thu. Lễ hội còn có ý nghĩa tín ngưỡng với ngọn lửa thiêng rực cháy sẽ xua đi tà ma, mang lại cho bản làng, gia đình, dòng tộc cuộc sống hiền hòa, sung túc. Theo quan niệm của người Pà Thẻn, lửa như là vị thần linh thiêng, cứu dỗi con người thoát khỏi khổ ải, chiến thắng sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nhất là cái giá rét của vùng sơn cước để “Nụ cười trên môi em vẹn nguyên, trên môi anh rạng rỡ...”
Lễ hội Lồng tông
Lễ hội Lồng tông của bà con dân tộc Tày được tổ chức vào đầu năm để tạ ơn trời đất, thánh thần và thể hiện khát vọng về một cuộc sống no ấm. Lồng tông, theo tiếng Tày có nghĩa là xuống đồng, một lễ hội đặc trưng của nền sản xuất lúa nước có từ ngàn đời nay, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con dân tộc Tày huyện Chiêm Hóa, Nà Hang, Lâm Bình, Hàm Yên, Sơn Dương… Mỗi mùa xuân đến, khắp các miền quê nơi đây tưng bừng lễ hội Lồng tông. Đó còn là nơi trai gái bản làng hẹn hò mùa nên duyên. Các chàng trai trong lễ hội khát khao khẳng định tài năng của mình trong những môn thể thao như bắn nỏ, đẩy gậy, tung còn. Còn các cô gái duyên dáng, thướt tha trong tà áo dài mượt mà điệu then, điệu cọi như “ma lực” quyến rũ các chàng trai. Ở các lễ hội Lồng tông còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn đã thu hút đông đảo du khách gần xa.
Lễ hội Chọi trâu 
Lễ hội chọi trâu được tổ chức trong nhiều năm qua tại huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa. Lễ hội cũng được tổ chức vào đầu năm đã thu hút đông đảo du khách gần xa đến xem. Theo quan niệm của người dân nơi đây, tổ chức lễ hội chọi trâu không chỉ để tôn vinh tài năng của những người nông dân giỏi giang, có đàn trâu tốt, to, khỏe mà còn thể hiện tinh thần thượng võ của người dân bản địa, thể hiện khát khao chinh phục thiên nhiên, mang đến cuộc sống bình yên cho mỗi gia đình, bản làng.
Lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo
 
Nghi thức rước lễ trong lễ hội Động Tiên (Hàm Yên).    Ảnh: Nhật Minh
Một số lễ hội trên địa bàn tỉnh mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo. Đó là tín ngưỡng thờ Phật, thờ Mẫu tại các di tích kiến trúc nghệ thuật là đình, đền, chùa như Lễ hội đền Hạ, đền Ỷ La, đền Thượng, chùa Hang, đền Kiếp Bạc (TP Tuyên Quang); đền Bắc Mục, Thác Cấm, Thác Cái (Hàm Yên), chùa Phật Lâm, đền Pác Tạ (Nà Hang), đình Thọ Vực, xã Hồng Lạc (Sơn Dương)...
Lễ cấp sắc của dân tộc Dao
Dân tộc Dao ở Tuyên Quang có dân số đứng thứ 3 sau dân tộc Kinh, Tày. Dân tộc Dao có các ngành: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc Mùn, Dao Quần Chẹt, Dao Ô Gang, Dao Coóc Ngáng, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài. Người Dao quan niệm, đàn ông phải qua lễ cấp sắc mới được coi là trưởng thành. Lễ cấp sắc vừa là công việc riêng của gia đình vừa là sinh hoạt mang tính cộng đồng của dòng họ, bản làng. Người dân tộc Dao Tiền cấp sắc cho con trai từ 15 đến 18 tuổi. Người Dao Quần Trắng không làm lễ cấp sắc cho con trai dưới 10 tuổi. Còn người Dao Thanh Y, lễ cấp sắc có thể được tiến hành từ lúc con trai mới 8 tuổi... Lễ cấp sắc thường được tổ chức từ tháng 10 năm trước đến tháng Giêng âm lịch năm sau. Công việc chuẩn bị cho lễ cấp sắc phải trải qua các bước như đặt tên, xem tuổi, thời gian tổ chức lễ cấp sắc, các thủ tục mời thầy cúng làm lễ cấp sắc. Có 3 hình thức tổ chức lễ cấp sắc: Cấp sắc trong nhà, ngoài trời, kết hợp với múa và các trò diễn dân gian.
Các làn điệu dân ca, dân vũ
Cùng với lễ hội dân gian, các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số như các làn điệu dân ca, dân vũ còn được lưu truyền trong nhân dân. Các làn điệu hát then, cọi, quan làng của dân tộc Tày, hát Páo dung của dân tộc Dao, hát Sình ca của dân tộc Cao Lan, hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, múa khèn của dân tộc Mông, múa trống, múa cờ của dân tộc Dao, Cao Lan... thực sự là “báu vật”, không thể thiếu trong các lễ hội.
Tuyên Quang đã và đang triển khai nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, tạo đà cho sự phát triển du lịch văn hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Lễ hội đường phố
Lễ hội đường phố được thành phố Tuyên Quang tổ chức trong nhiều năm qua vào dịp Tết Trung thu hằng năm. Lễ hội là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của xã hội dành cho các cháu thiếu nhi, thế hệ tương lai của quê hương, đất nước. Lễ hội được tổ chức thu hút đông đảo du khách thập phương với những mô hình trình diễn độc đáo do chính bà con các tổ dân phố thực hiện thể hiện truyền thống quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử như Bác Hồ với các cháu thiếu nhi, lán Nà Lừa, cây đa Tân Trào; các biểu tượng về khát vọng no ấm như rồng, phượng và cả những đài sen biểu trưng tinh thần thanh tao của dân tộc ta...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét