Hội họa Ấn Tượng
( Theo Lê Thị Thanh Thủy)
Trường phái Ấn tượng là một trào lưu nghệ thuật bắt đầu tại Paris vào cuối thế kỷ 19. Hoạ sĩ thuộc trường phái này thường vẽ bằng những nét cọ thô để lại dấu vết rõ ràng cùng với sự pha trộn không hạn chế giữa các màu, nhấn mạnh đến sự thay đổi và chất lượng của độ sáng trong tranh. Các bức tranh thường được vẽ rất nhanh cốt ghi lại ấn tượng tổng quan của tác giả hơn là đi sâu vào chi tiết. Khác với các trường phái Tân cổ điển, Hiện thực và Tự nhiên chủ nghĩa, trường phái Ấn tượng thể hiện một cái nhìn khoáng đạt và không câu nệ vào các định kiến của phương Tây ngày ấy.
Từ khoảng giữa thế kỉ thứ 19, hầu như cách duy nhất để các họa sĩ có thể thành công là được trưng bày tranh của mình ở Salon, Paris. Salon là cuộc triển lãm tranh nghệ thuật chính thức hàng năm. Người họa sĩ nào đoạt giải thưởng ở Salon này đồng thời cũng nhận được cơ hội có hợp đồng béo bở sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật phục vụ cho chính phủ và nhiều đại gia tư sản thường có thị hiếu của hội họa hàn lâm chính thống.
Khi các họa sĩ phái Ấn tượng nộp tranh của mình cho Salon, các tác phẩm của họ thường bị từ chối hết. Ban Giám khảo Salon chỉ khuyến khích, trưng bày và trao giải thưởng cho các tác phẩm theo phái tân cổ điển. Đối với họ, tác phẩm của các họa sĩ phái Ấn tượng chỉ gồm những nét bút liều lĩnh, không hoàn thiện và gây xúc phạm.
Các họa sĩ phái Ấn tượng cảm thấy thất vọng vì phạm vi bó hẹp bời Salon. Đối với họ, tranh chính thống đã lỗi thời và không còn thích hợp nữa.
Cuộc triển lãm đầu tiên vào năm 1874 của các họa sĩ Ấn tượng trưng bày bức tranh ” Ấn tượng mặt trời mọc” của Monet dường như là điểm báo cho sự xuất hiện, bung mở về nghệ thuật tạo hình, là nền tảng của những gì sẽ xuất hiện sau này.
Triển lãm đã gây tiếng vang lớn ở Paris. Báo chí đã xúm lại chỉ trích, chế giễu. Trong cuộc triển lãm này co một bức tranh của Claude Monet vẽ về bến cảng Havro trong sương mờ buổi sớm với cái tên “Ấn tượng mặt trời mọc” chính tác phẩm này đã khiến nhà báo Loui Leroy thấy buồn cười và ông đã gọi nhóm hoạ sỹ bằng cái tên “Ấn Tượng” (Impressionistes) như cái tên của bức tranh. Và cái tên Ấn Tượng được dùng từ đó.
Phần lớn các họa sĩ phái Ấn tượng là người Pháp, nhưng trào lưu này cũng đã lan sang nhiều nước trên thế giới và ảnh hưởng đến các môn nghệ thuật khác. Trường phái Ấn tượng đã thành công rực rỡ vào cuối TK 19 đầu TK 20, đánh dấu một bước tiến quan trọng của hội họa và từ đó sinh ra một số nghệ thuật hiện đại.
Nét đặc trưng của trường phái tranh Ấn tượng là cách sử dụng màu sắc va đập, ánh sáng tự nhiên, lối vẽ bất nghi thức, đường nét thô ngắn để tập trung thể hiện cảm nhận ban đầu, tức thời về đối tượng.Các họa sĩ theo Chủ nghĩa Ấn Tượng không chú trọng đến đề tài mà chủ yếu để thể hiện cảm xúc của mình trước thiên nhiên. Bức tranh được vẽ nhanh, chủ trương ghi lại những khoảnh khắc tức thời. Nếu nói rằng các họa sĩ Ấn tượng không chú trọng tới bố cục thì quả thật không thỏa đáng , bởi cái mà họ muốn làm là phá vỡ “khuôn vàng thước ngọc” của chủ nghĩa cổ điển tạo nên một cách nhìn mới trong tạo hình.
Người tiên phong chống lại các giá trị hàn lâm là họa sĩ Edouard Manet (1832-1883) là một hoạ sỹ thượng lưu bạt thiệp, hiểu nhiều biết rộng ông tuyên bố “-Tôi vẽ những gì tôi thấy!”.
Manet từng khẳng định: ” -Nhân vật chính trong họa phẩm là ánh sáng “, điều quan trọng không phải là vẽ gì mà đặc biệt chú trọng vào cách dùng sắc màu để diễn tả gam màu thiên nhiên, những không gian lung linh biến ảo từng phút từng giây, thoáng hiện thoáng mất, các nghệ sĩ đã tức thời nắm bắt, khai thác và vội vàng ghi lại cảm xúc của mình… Đây là nguyên nhân vì sao trường phái Ấn Tượng lại có nhiều họa pháp khác nhau, nhưng vẫn chung một mục đích, đó là diễn tả thiên nhiên một cách chân thật, bớt sự lý tưởng hoá hàn lâm, mà giàu cảm xúc, chỉ có ánh nắng long lanh mới chính là linh hồn bức tranh… Cho nên, Chagall đã định nghĩa “-Hội họa Ấn Tượng là tự do và ánh sáng ” và để biểu hiện ánh sáng tự nhiên, họ gạt bỏ màu đen mà thêm trắng tối đa, tiến tới bảng màu ngày một phong phú, tươi sáng hơn…
Năm 1863 là một cột mốc quan trọng.Edovard Manet vẽ bức tranh “Bữa ăn trên cỏ” gây sóng gió lớn. Về nội dung đề tài tranh Manet không co gì lạ so với tranh của các hoạ sỹ trước đó. Sở dĩ ông bị phản đối là do cách thể hiện nghệ thuật hội hoạ của ông .Trong tranh Mnet vẽ bốn nhân vật , trong đó có một cô gái khoả thân ngồi cùng hai chàng trai mặc rất đúng mốt thời thượng lúc đó. Chính vì vậy mà người ta dã la ó, chỉ trích như một sự “suy đồi” của nghệ thuật. Một lý do nữa , là bởi ông đã từ bỏ lối diễn tả ánh sáng dịu dàng, chuyển sắc độ êm ả theo kiểu cổ điển trong phòng vẽ theo sự sắp xếp, bố trí như các hoạ sỹ khác. Ở đây ông đã sử dụng tương phản mạnh giữa bóng tối và ánh sáng và cách đặt bút mạnh mẽ giàu cảm xúc. Vấn đề đặt ra ở đây là đã đến lúc đòi hỏi sự thay đổi trong cách nhìn cách vẽ.
Trước hết, Manet gạt bỏ lối vẽ “hoàn chỉnh” cũng như các đề tài cũ thường là tôn giáo, thần thoại, lịch sử…, lại táo bạo biểu hiện cá tính chủ quan mạnh mẽ bằng cách từ bỏ lối diễn tả ánh sáng dịu dàng, chuyển sắc độ êm ả theo kiểu cổ điển và bắt đầu dùng màu tương phản, tương ứng với ánh nắng chói chan hiện thực của cuộc sống. Người xem cảm nhận một nguồn cảm xúc mạnh mẽ qua từng nhát cọ bạo dạn, mạnh mẽ của tác giả.
tranh của sisley
Claude monet ( 1840 -1926): Được mệnh danh là “người cha của hội họa ấn tượng”, là họa sĩ tiêu biểu và nổi tiếng số một của trường phái này với số lượng tác phẩm đồ sộ và quan điểm nghệ thuật nhất quán suốt cuộc đời. Ông còn được coi là ” Họa sĩ của những khoảnh khắc phù du”, “nhà biểu tượng của màu sắc”. Tranh của ông chú ý tới thiên nhiên, coi trọng diễn tả ánh sáng và màu sắc, ghi lại sự tươi mới của ấn tượng ban đầu một cách trung thực tuyệt đối. Những bức tranh về khu vườn, hoa súng của ông được công chúng đặc biệt yêu thích.
Mô-nê sinh ngày 14-11-1840 tại paris.Ông được coi là hoạ sỹ tiêu biểu của trường phái Ấn tượng. là người chủ xướng táo bạo và trung kiên nhất.Mặc dù phái Ấn tượng gặp nhiều trở ngại trên con đường đi tới chân lí, song Mô-nê vẫn là người giữ vững quan điểm lập trường về hội hoạ ấn tượng cho tới cuối đời.
Bức tranh “thiếu phụ trong vườn” của Mô-nê . Ánh sáng chiếu qua chiếc dù mỏng, làm nó sáng rực lên, sau đó ánh sáng tràn xuông bờ vai, theo dọc sân rồi trở thành các đốm sáng nhảy nhót trên các vòm cây gần.Trong tranh của Mô-nê dường như không còn các đường viền chu vi. Việc đi vẽ ngoài trời đã hướng Mô-nê cũng như các hoạ sĩ ấn tượng khác vào các hiệu ứng ánh sáng lấp lánh và các màu sắc của tự nhiên
Mục đích của hội họa cổ điển là biểu hiện nghệ thuật của người xưa chứ không phải là nghệ thuật của người đang cầm bút, bị giáo điều, giam hãm, do vậy ngắc ngoải trong trạng thái trầm tư thiếu sinh khí. Ngược lại, mục đích của phái Ấn Tượng là biểu hiện nghệ thuật tự do của người đang cầm bút, thả cho nghệ thuật trở về với vũ điệu thiên nhiên phóng khoáng, một tình trạng chuyển động, nên rất có sinh khí…
Nhắc đến nghệ thuật Ấn tượng, không thể không nói đến Renoir (1841-1919)Có hai đổi tượng chính trong tranh ông mà ta vẫn thường thấy đó là ánh sáng và phụ nữ.
Tranh của Renoir vẽ theo phong cách Ấn tượng, nhiều vệt màu với nhiều sắc độ đặt cạnh nhau, màu nọ sẽ tác động ảnh hưởng đến màu kia và sự pha trộn giữa chúng không thực hiện trên pa-let mà được thực hiện trong mắt người xem. Trên tranh không còn các mảng màu như trước nữa. Mảng nước, bờ sông, cây, thuyền được tạo bởi hàng trăm hàng ngàn các vệt màu, nét bút ngắn, dán đoạn, gợi cho ta ấn tượng về thị giác và cảm xúc tràn đầy về án sáng, màu sắc tuyệt đẹp ở những nơi có nước có gió, có ánh nắng, có cây cỏ…
Trước đây, các họa sĩ hàn lâm vẽ trong họa thất nên chưa thấy hiệu ứng của ánh sáng ngoài trời tràn ngập mọi phía làm một vật hầu như không còn định hình một cách rõ ràng, mà chỉ là một mảng màu… Phải mất một thời gian lâu, người ta mới khám phá ra rằng để xem và hiểu được tranh Ấn Tượng, phải lùi lại vài bước để thấy tổng thể bức tranh, lúc đó mắt người xem tuỳ từng điểm nhìn mà sẽ thấy những mảng mù màu được sắp xếp một cách yên vị nhưng rất sống động… Đó chính là sự chuyển giao khám phá thị giác của các họa sĩ Ấn Tượng vào tranh và truyền lại cho người xem tranh…
Edgar dega (1834-1917) ông là hoạ sỹ pháp tầm cỡ , người tổ chức và tham gia gần như hầu hết các triển lãm của các hoạ sỹ Ấn tượng. Song điều đáng nói hơn với khuynh hướng nghệ thuật này, ông giữ một vị trí đặc biệt: Miêu tả cái sống động của cuộc sống động của cuộc sống đương đại; quan tâm việc diễn đạt ánh sáng; tìm kiems những sắc màu hội hoạ. Dega không tán thành việc vẽ tranh giữa thanh thiên bạch nhật; tranh của ông hầu hết được hoàn thiện ở xưởng vẽ. Bởi vì theo ông , “tác phẩm là kết quả của tư duy, của sự nghiên cứu các danh hoạ, là công việc của niềm hưng phấn, của tính cách của sự kiên nhẫn quan sát”.
Degas tuy vẫn thuỷ chung với chủ đề trước, song đều chuyển từ nhãn thức “thị giác bề ngoài” sang những rung động nhân văn, cảm thông sâu xa với đối tượng miêu tả, dù là vũ nữ, hình khoả thân hay cảnh trí thiên nhiên.
Nhưng, cái mà người ta liệt dega vào hoạ phái Ấn tượng bởi rằng ông có bút pháp phóng khoáng, tự do, có bảng màu tươi sáng, nguyên chất, có lối dùng mảng màu và vạch kẻ màu “từng nhát một”(trong phấn màu); có sự thích thú trong việc tả ánh sáng và không khí . Tuy nhiên, đấy không phải là đặc tính của Degas , tất cả những tìm kiếm nghệ thuật của ông lại nhằm vào hình hoạ và bố cục.
Nếu như trước đây người nghệ sỹ vẽ những gì mình thấy, thì hội hoạ Ấn Tượng đã mở ra một cách nhìn mới cho người nghệ sỹ.Từ đây hoạ sỹ vẽ những gì mình cảm thấy, để thể hiện cái nội tại bên trong của mình. Là sự giải phóng tự do biểu hiện, tất cả những gì trước đây được cho là cao quý,là quan trọng hoặc xinh đẹp đều bị họ công khai chế giễu và bôi bác qua những cuộc triển lãm của họ.
chủ nghĩa Ấn Tượng cùng với các trường phái nghệ thuật xuất hiện sau nó chính là nền móng cho sự bùng nổ của các chủ nghĩa hình thức nghệ thuật sau này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lịch sử Mỹ thuật thế giới – Phạm Thị Chỉnh-NXBĐHSP
2. Hội hoạ Ấn Tượng-Lê Thanh Đức-NXBMTHN
3. 70 Danh hoạ bậc thầy thế giới-NXBMTHN
4. Trào lưu Ấn Tượng-NXBMTHN
5. Lịch sử mỹ thuật thế giới – Nguyễn trân -Trường ĐHMTHN
6. Lịch sử văn minh thế giới – NXBDGQG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét