MỸ THUẬT DÂN GIAN
Tranh dân gian bao gồm tranh Tết và tranh Thờ xuất hiện ở một số tỉnh đồng bằng, miền núi ở phía Bắc, miền Trung và miền Nam. Là sản phẩm trí tuệ tập thể qua nhiều thế hệ, tranh dân gian không chỉ đáp ứng nhu cầu về tinh thần, tâm linh và mỹ cảm của nhân dân lao động trong những ngày Tết mà còn ẩn chứa những nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách trong đời thường. Ba dòng tranh dân gian nổi tiếng Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Làng Sình (Thừa Thiên Huế), mang đậm nét sắc thái riêng biệt của nông thôn và thành thị Việt Nam. Đề tài chủ yếu là chúc tụng, cảnh vật, sinh hoạt, quan hệ gia đình xã hội, cầu phúc, thờ thần linh bản địa, anh hùng dân tộc...Tranh thờ Phật giáo thường vẽ một Đức Phật, một vị tổ hay một vị thần tướng. Nhân dân coi các vị thần, Phật ấy có quyền lực ảnh hưởng tới phúc họa của con người, con người cầu mong Phật, Thần giúp đỡ. Tranh thờ cổ thường được thể hiện bằng bột màu pha keo vẽ trên giấy dó, có nơi dùng sơn quang dầu vẽ trên gỗ, có khi dùng nhựa cây thông để vẽ màu sáng, dát vàng bạc lóng lánh tương tự như cách tô tượng của đình chùa tạo cho tranh có được chiều sâu và sự thần bí trong các buổi lễ tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét