NGUYỄN PHAN CHÁNH hiệu là Hồng Nam (sinh ngày 21-7-1892, tại làng Tiền Bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; mất ngày 22- 11-1984 tại Hà Nội). Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, khi mới 14 tuổi, Nguyễn Phan Chánh đã phải đến các chợ bán tranh và viết chữ nho để giúp đỡ gia đình. Nguyễn Phan Chánh tự học tiếng Pháp và đỗ đầu Sơ học yếu lược, được bổ nhiệm làm trợ giáo ở phủ Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Chân dung họa sĩ Nguyễn Phan Chánh
Sau đó, ông vào học ở Trường Quốc học (Huế) rồi sang làm trợ giáo ở Trường Đông Ba. Năm 1925, Trường Mĩ thuật Đông Dương tuyển khoá đầu tiên. Nguyễn Phan Chánh là người duy nhất ở miền Trung trúng tuyển. Tốt nghiệp khóa học (1925 - 1930), ông đã có những tác phẩm Chơi ô ăn quan, Lên đồng, Rửa rau cầu ao... nổi tiếng ở Hội chợ triển lãm tại Pa-ri; tiếp đó, tranh của ông được trưng bày tại Ý, Bỉ, Mĩ, Nhật. Các năm 1937 - 1939, Nguyễn Phan Chánh tổ chức triển lãm riêng ở Hà Nội. Sau đó ông về hẳn quê nhà. Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh thắm đượm tình yêu thương con người lao động, đặc biệt là hình tượng người phụ nữ và tình mẹ con được thể hiện nhiều trong tác phẩm của ông. Thành công của Nguyễn Phan Chánh là do ông biết kết hợp lối vẽ truyền thống dân tộc với kiến thức khoa học cơ bản của hội hoạ châu Âu.Nguyễn Phan Chánh – Chơi ô ăn quan. 1931, lụa. Sưu tập tư nhân
Ông luôn độc lập trong suy nghĩ và có lối biểu hiện riêng tạo nên những bức tranh lụa đầy ấn tượng. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Phan Chánh tham gia kháng chiến ở Hà Tĩnh. Lúc này, Nguyễn Phan Chánh chuyển sang vẽ tranh tuyên truyền với các tác phẩm Phá khám lớn Sài Gòn, Em Tám tự tẩm dầu đốt kho xăng... Năm 1955, hoà bình vừa lập lại, ông ra Hà Nội tham gia giảng dạy ở Trường Cao đẳng Mĩ thuật Hà Nội và tham gia Ban chấp hành Hội Mĩ thuật Việt Nam (1957 - 1983). Cũng từ đây, ông tiếp tục chuyên tâm vẽ tranh lụa và đi sâu vào đời sống nông thôn. Các tác phẩm Chống hạn, Cấy tập đoàn, Bữa cơm vụ mùa thắng lợi... lần lượt ra đời. Trong những năm kháng chiến chống Mĩ ác liệt, Nguyễn Phan Chánh đã ở vào tuổi 80 nhưng ông vẫn sáng tác nhiều tác phẩm như: Sau giờ trực chiến, Bát nước giải lao, Chống hạn gặp mưa... Những năm sau đó, ông dành nhiều công sức cho đề tài truyền thuyết dân gian như Tiên Dung, Kiều, Thạch Sanh cứu công chúa... Các năm 1982, 1983, nhân dịp mừng thọ danh hoạ Nguyễn Phan Chánh 90 tuổi, Bộ Văn hoá đã tổ chức triển lãm tranh lụa của ông tại Liên Xô, Tiệp Khắc, Hung-ga-ri, Ba Lan, Ru-ma-ni và nhiều nước khác. Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh được hâm mộ và đánh giá cao ở trong nước cũng như ở nước ngoài.Nguyễn Phan Chánh – Sau giờ trực chiến, 1967, lụa. Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam
Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba và Huân chương Độc lập hạng Nhất. Năm 1996 hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I cho các tác phẩm: Chơi ô ăn quan - Lụa- 63x85cm (1931); Cô gái rửa rau- Lụa (1931); Bữa cơm ngày mùa thắng lợi - Lụa - 63x78cm (1960); Sau giờ trực chiến - Lụa - 52x73cm (1967); Trăng tỏ - Lụa (1967); Trăng lu - Lụa (1970); Chân dung tự họa - Lụa (1976). Danh hoạ Nguyễn Phan Chánh là một trong những hoạ sĩ yêu nước, yêu quê hương, luôn đấu tranh cho một nền nghệ thuật dân tộc. Sự nghiệp nghệ thuật của hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh đã đóng góp một vị trí xứng đáng vào lịch sử mĩ thuật Việt Nam hiện đại.
Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014
HỌA SĨ NGUYỄN PHAN CHÁNH (1892-1984)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét