Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

HỌA SĨ BÙI XUÂN PHÁI (1920-1988)


  •  
    BÙI XUÂN PHÁI (sinh ngày 1- 9- 1920, mất ngày 24- 6- 1988 tại Hà Nội) quê ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ông theo học tại Trường Mĩ thuật Đông Dương khoá XV (1941 - 1946); hội viên ngành hội hoạ Hội Mĩ thuật Việt Nam từ 1957. 


    Chân dung họa sĩ Bùi Xuân Phái


    Bùi Xuân Phái tham gia Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội; hoạt động văn hoá thông tin tuyên truyền ở Liên khu III và Việt Bắc (1947- 1952); viết báo và minh hoạ báo tại Hà Nội (1952 - 1954); giảng viên Trường Cao đẳng Mĩ thuật Việt Nam (1956 - 1957); hoạ sĩ tổ sáng tác Hội Mĩ thuật Việt Nam. Trong quá trình sáng tác ông đã được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam. Xem tranh của ông, người ta phát hiện ra một đời sống tinh thần riêng đầy quyến rũ của những khu phố cổ Hà Nội, một phong cách riêng, thường được gọi là “Phố Phái”. 



    Bùi Xuân Phái – Trước giờ biểu diễn. 1984, sơn dầu, Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam


    Trong sự nghiệp của mình, ông không chỉ vẽ về phố mà còn vẽ nhiều đề tài về nghệ thuật chèo, về nông thôn, về vùng mỏ, chân dung... Ở mỗi đề tài, ông đều để lại những tác phẩm tiêu biểu và được đánh giá cao. Ông đã có 6 triển lãm cá nhân tại Hà Nội. Đã có nhiều cuốn sách viết về ông, gần đây nhất có mấy bộ sách “Bùi Xuân Phái - cuộc đời và tác phẩm” do NXB Mĩ thuật in của hai tác giả là hoạ sĩ Bùi Thanh Phương (con trai ông) và nhà sưu tập tranh Trần Hậu Tuấn. Bộ sách đã tập hợp tương đối đầy đủ các tư liệu về cuộc đời nghệ thuật của Bùi Xuân Phái. Hiện nay, tranh của ông được lưu giữ ở Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam và trong nhiều bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước. Riêng ngôi nhà của ông, số nhà 87 phố Thuốc Bắc, Hà Nội được coi như một bảo tàng nhỏ, trưng bày những tác phẩm của ông và con ông. 



    Bùi Xuân Phái – Phố Hàng Mắm. 1984, sơn dầu. Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam

    Tác phẩm của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái đã được tặng giải thưởng tại Triển lãm Mĩ thuật tháng Tám năm 1946; Giải Nhất Triển lãm Mĩ thuật Toàn quốc năm 1980; Giải thưởng Triển lãm Đồ hoạ tại Leipzig- Đức; Giải thưởng Triển lãm Mĩ thuật Thủ đô các năm 1969, năm 1981, năm 1983 và năm 1984. Năm 1996 hoạ sĩ Bùi Xuân Phái được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I cho các tác phẩm: Hà Nội kháng chiến - Sơn dầu- 90x110cm (1954); Vợ chồng chèo - Sơn dầu (1967); Sân khấu chèo - Sơn dầu (1968); Hóa trang sân khấu chèo - Sơn dầu (1968); Xe bò trong phố cổ - Sơn dầu (1972); Phố cổ Hà Nội - Sơn dầu (1972); Phố vắng - Sơn dầu (1981); Trước giờ biểu diễn - Sơn dầu- 60x80cm (1984).

HỌA SĨ NGUYỄN PHAN CHÁNH (1892-1984)

  • NGUYỄN PHAN CHÁNH hiệu là Hồng Nam (sinh ngày 21-7-1892, tại làng Tiền Bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; mất ngày 22- 11-1984 tại Hà Nội). Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, khi mới 14 tuổi, Nguyễn Phan Chánh đã phải đến các chợ bán tranh và viết chữ nho để giúp đỡ gia đình. Nguyễn Phan Chánh tự học tiếng Pháp và đỗ đầu Sơ học yếu lược, được bổ nhiệm làm trợ giáo ở phủ Thạch Hà (Hà Tĩnh). 




    Chân dung họa sĩ Nguyễn Phan Chánh



    Sau đó, ông vào học ở Trường Quốc học (Huế) rồi sang làm trợ giáo ở Trường Đông Ba. Năm 1925, Trường Mĩ thuật Đông Dương tuyển khoá đầu tiên. Nguyễn Phan Chánh là người duy nhất ở miền Trung trúng tuyển. Tốt nghiệp khóa học (1925 - 1930), ông đã có những tác phẩm Chơi ô ăn quan, Lên đồng, Rửa rau cầu ao... nổi tiếng ở Hội chợ triển lãm tại Pa-ri; tiếp đó, tranh của ông được trưng bày tại Ý, Bỉ, Mĩ, Nhật. Các năm 1937 - 1939, Nguyễn Phan Chánh tổ chức triển lãm riêng ở Hà Nội. Sau đó ông về hẳn quê nhà. Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh thắm đượm tình yêu thương con người lao động, đặc biệt là hình tượng người phụ nữ và tình mẹ con được thể hiện nhiều trong tác phẩm của ông. Thành công của Nguyễn Phan Chánh là do ông biết kết hợp lối vẽ truyền thống dân tộc với kiến thức khoa học cơ bản của hội hoạ châu Âu. 


    Nguyễn Phan Chánh – Chơi ô ăn quan. 1931, lụa. Sưu tập tư nhân


    Ông luôn độc lập trong suy nghĩ và có lối biểu hiện riêng tạo nên những bức tranh lụa đầy ấn tượng. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Phan Chánh tham gia kháng chiến ở Hà Tĩnh. Lúc này, Nguyễn Phan Chánh chuyển sang vẽ tranh tuyên truyền với các tác phẩm Phá khám lớn Sài Gòn, Em Tám tự tẩm dầu đốt kho xăng... Năm 1955, hoà bình vừa lập lại, ông ra Hà Nội tham gia giảng dạy ở Trường Cao đẳng Mĩ thuật Hà Nội và tham gia Ban chấp hành Hội Mĩ thuật Việt Nam (1957 - 1983). Cũng từ đây, ông tiếp tục chuyên tâm vẽ tranh lụa và đi sâu vào đời sống nông thôn. Các tác phẩm Chống hạn, Cấy tập đoàn, Bữa cơm vụ mùa thắng lợi... lần lượt ra đời. Trong những năm kháng chiến chống Mĩ ác liệt, Nguyễn Phan Chánh đã ở vào tuổi 80 nhưng ông vẫn sáng tác nhiều tác phẩm như: Sau giờ trực chiến, Bát nước giải lao, Chống hạn gặp mưa... Những năm sau đó, ông dành nhiều công sức cho đề tài truyền thuyết dân gian như Tiên Dung, Kiều, Thạch Sanh cứu công chúa... Các năm 1982, 1983, nhân dịp mừng thọ danh hoạ Nguyễn Phan Chánh 90 tuổi, Bộ Văn hoá đã tổ chức triển lãm tranh lụa của ông tại Liên Xô, Tiệp Khắc, Hung-ga-ri, Ba Lan, Ru-ma-ni và nhiều nước khác. Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh được hâm mộ và đánh giá cao ở trong nước cũng như ở nước ngoài. 

    Nguyễn Phan Chánh – Sau giờ trực chiến, 1967, lụa. Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam



    Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba và Huân chương Độc lập hạng Nhất. Năm 1996 hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I cho các tác phẩm: Chơi ô ăn quan - Lụa- 63x85cm (1931); Cô gái rửa rau- Lụa (1931); Bữa cơm ngày mùa thắng lợi - Lụa - 63x78cm (1960); Sau giờ trực chiến - Lụa - 52x73cm (1967); Trăng tỏ - Lụa (1967); Trăng lu - Lụa (1970); Chân dung tự họa - Lụa (1976). Danh hoạ Nguyễn Phan Chánh là một trong những hoạ sĩ yêu nước, yêu quê hương, luôn đấu tranh cho một nền nghệ thuật dân tộc. Sự nghiệp nghệ thuật của hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh đã đóng góp một vị trí xứng đáng vào lịch sử mĩ thuật Việt Nam hiện đại.

HỌA SĨ HOÀNG TÍCH CHÙ (1912-2003)



  • HOÀNG TÍCH CHÙ (sinh ngày 18- 2- 1912 tại Bắc Ninh, mất ngày 22- 10- 2003 tại Hà Nội) quê ở xã Phù Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Trường Mĩ thuật Đông Dương khóa XI (1936-1941); hội viên ngành hội hoạ Hội Mĩ thuật Việt Nam từ 1957. 
    Chân dung họa sĩ Hoàng Tích Chù


    Ông tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945; hoạt động trong Hội Liên Việt và công tác tại Sở Văn hóa Kháng chiến khu XII (1947- 1948); tham gia Mặt trận Việt Minh nội thành Hà Nội (1947- 1954); Ủy viên Ban chấp hành Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội; giảng viên, Chủ nhiệm khoa Trường Cao đẳng Mĩ thuật Việt Nam (1955- 1969); Viện trưởng Viện Mĩ nghệ Hà Nội từ năm 1969 cho đến khi nghỉ hưu; Ủy viên Ban chấp hành Hội Mĩ thuật Việt Nam khóa I (1957- 1983); Ủy viên Ban chấp hành Hội Mĩ thuật Hà Nội. 

    Hoàng Tích Chù – Đêm hậu cứ, 1966, sơn mài


    Trong quá trình công tác, ông đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu Hồ Chí Minh; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Hoạ sĩ Hoàng Tích Chù nổi trội về các tranh bằng chất liệu sơn mài, hầu hết các tác phẩm của ông mang phong cách hiện thực. Ông vẽ về Bác Hồ, về công cuộc kháng chiến và phong cảnh quê hương bằng tình cảm trong sáng, mộc mạc, chân thành. Ông có nhiều công tìm tòi, khai thác, xây dựng và phát triển nền nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam đạt tới hiệu quả cao trong nghệ thuật tạo hình. 


    Hoàng Tích Chù – Tổ đội công cấy lúa, 1958, sơn mài, Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam


    Tác phẩm của hoạ sĩ Hoàng Tích Chù đã được tặng: Giải Ba Triển lãm Mĩ thuật Toàn quốc năm 1958 và 1960; Giải Nhất trang trí sân khấu năm 1955 ; Giải thưởng Triển lãm Mĩ thuật Thủ đô năm 1986 và năm 1990; Giải thưởng Triển lãm Mĩ thuật Quốc tế tại Ấn Độ, Ba Lan, Cộng hòa dân chủ Đức. Năm 2000 hoạ sĩ Hoàng Tích Chù được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt II cho các tác phẩm: Tổ đổi công cấy lúa - 75x100cm- Sơn mài (1958); Bác Hồ trồng cây với thiếu nhi - Sơn mài- 112x270cm (1971); Mùa gặt - Sơn mài - 100x150cm (1970); Đêm hậu cứ - Sơn mài - 98x165cm (1966).

Ý NGHĨA, NGUỒN GỐC VỀ TRANH TƯỢNG TAM ĐA





Những năm qua chúng ta đã có mười di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được thế giới công nhận. Bên cạnh những di sản văn hoá đó chúng ta còn nhiều những thành tố quan trọng như văn hoá dân gian đã đóng vai trò là nền tảng của văn hoá truyền thống. Những thành tố này mặc dù không thể hiện ở qui mô lớn mà chỉ là những hình đơn lẻ, thành bộ hoặc nhóm được bày đặt một cách im lặng và khiêm tốn, kín đáo không phô trương, nhưng lại là những "linh hồn" mà nếu không có nó thì những đời sống văn hoá di sản kia thiếu đi giá trị. Đó chính là những "Biểu tượng đặc trưng trong văn hoá truyền thống Việt Nam". Những biểu tượng này có thể gặp ở khắp mọi nơi, từ lâu đài, cung điện nguy nga đến đình chùa, đền miếu. Nó khuất lấp đâu đó trong các gia đình mà chúng ta còn chưa chịu hiểu nó một cách nguồn cuội đến ý tưởng trong hình khối nghệ thuật. Đó chính là những hình tượng cát tường (Điềm lành) để chúc tụng mà ta hằng mong muốn cầu nguyện như bộ Tam Đa - Bộ Tứ Bình đến Ngũ Phúc, Ngũ Hổ, Thất Hiền, Bát Tiên... Các vị thánh thần rồi Ngọc Hoàng - Đế Thích - Di Lặc... Bộ Tứ Linh, Rồng Phượng... Đến các mô úp trang trí trên xà nách, những hoa văn hình triện trên hoành phi câu đối, cùng rất nhiều các động thực vật, các đồ dùng trong sinh hoạt như: bầu rượu, kiếm, sáo... đã được cách điệu hoá thành mây bay, rồng, phượng... (các nghệ nhân vẫn gọi là hình hoá rồng, hoá lá) Tôi xin viết dần những biểu tượng đặc trưng văn hoá đó.
Nguồn gốc xuất xứ của tranh tượng Tam Đa
Từ xa xưa, xuất xứ từ Trung Hoa sau lan tỏa sang các nước Đông Nam Á. Nguồn cội điển tích đã qua hàng ngàn năm đôi lúc bị uốn vặn, thêm bớt, có khi bị rườm rà thiếu tính thống nhất, xin tạm nêu sách: "Huyền thoại phương Đông", nhà xuất bản Mỹ thuật 2003 cho rằng ông Phúc là Dương Tường, ông Lộc là Văn Xương. Theo sách: "Đường Thư" lại cho rằng Chân Võ Đại Đế là Phúc thần. Đạo giáo lúc đang hưng thịnh coi cổng tam quan là một thần linh: Giữa là Thiên Quan Tứ Phúc, bên trái là Địa quan xá tội, phải là Thuỷ quan giải ách. Ba cửa này đều liên quan đến hoạ, phúc, vinh, nhục, ước vọng của con người nên gọi Đại Tam Quan là ông Phúc. Còn đến đời Tần dựng miếu thờ "Nam cực lão nhân" làm ông Thọ, nên tranh tượng về sau có dáng ông già đầu râu tóc bạc, trán cao rộng, tay chống giây cong queo. Mới có câu "Thọ tỉ Nam Sơn". Dưới đời vua Đức Tông, Dương Thành Đao làm quan to ở phía biển, biết yêu thương dân như con và sống rất đạo đức khi mất dân gọi là phúc thần lập đền ghi công, mới có câu "Phúc như Đông Hải". Vậy trong khuôn khổ một bài viết ngắn tôi chỉ nhằm dẫn ra ví dụ để cùng tham khảo chứ không có ý định xác minh tính hợp lý của tư liệu. Thấy sách "An Nam chí lược" của Lê Tắc nhà sách Văn hoá Đông tây tái bản năm 2002 là tương đối khớp với từ điển văn hoá cổ điển Trung Hoa của Phạm Tôn Nhan: rằng văn hoá cổ đã tồn tại rất nhiều "bộ tam" chủ sự may mắn là "Tam tinh" gồm "Phúc - Lộc - Thọ tinh". Ban đầu là lời của Phong Nhân chúc mừng vua Nghiên "Đa phú, đa nam, đa thọ" nghĩa là giàu có, nhiều con trai và sống lâu. Sau ba lời chúc của viên quan này dường như là ước vọng của công chúng bấy giờ. Sau này người ta đã chọn ba nhân vật đã qua thời gian lịch sử làm khuôn mẫu cho cụm biểu tượng "Phúc - Lộc - Thọ" làm Tam Đa từ đó. Đậu Tử Quân (ông Lộc): Một quan lớn đời Tấn, quyền cao chức trọng. Ông càng nổi tiếng giàu có bao nhiêu thì ông càng đau khổ khôn cùng vì giàu mà không có đích tôn nối dõi tông đường. Nên tiền của cuối đời đều rơi vào tay dòng họ khác... Quách Nghi: (ông Phúc) là một quan to đời Đường Cao Tổ, hết lòng vì dân, luôn tạo công ăn việc làm cho người nghèo được nhân dân ghi nhớ công ơn, tuy thanh bạch nhưng con cháu đầy nhà cùng sống rất là hiếu nghĩa, biết kính trên nhường dưới. Năm ông bà 83 tuổi thì có bé "chút" thế là thành "Ngũ đại đồng đường", ông sung sướng bế bé lên vai, lấy làm rất hoan hỷ. Đông Phương Sóc (ông Thọ): Là một thượng thư đời Hán tài giỏi và chính trực, trải qua nhiều đời vua đều được khen và tặng nhiều bổng lộc, ông thường tích cóp để dành, nổi tiếng tài giỏi nhiều mặt, vì đa tình nên nhiều vợ, ông hưởng thọ tới 125 tuổi, lưng còng hẳn xuống, và qua đời trong nỗi buồn đơn độc vì vợ con không ai còn sống, cháu đích tôn bốn đời phải lo đám. 



Ý nghĩa của Tam Đa trong nghệ thuật tạo hình
Ông Phúc (Quách Nghi) - Một vị quan trong bộ trang phục đơn giản mà phong độ, điềm tĩnh, khoác trên mình một áo thụng màu xanh, màu của tương lai, đầu đội mũ vải mềm, dáng hoạt bát, nhanh nhẹn, tóc và râu ở ngũ quan đều đen, cùng khuôn mặt trắng sáng, quyền pháp rõ ràng, sống mũi hình nửa ống bương (đầy đặn, nay nải miệng, môi đều và nhỏ, tất cả thể hiện cho sự khỏe mạnh, thông minh, thanh cao, mãn nguyện và có hậu). Một tay ôm em bé là lực lượng kế cận, ý nghĩa của nối dõi tông đường, con cháu đầy đàn, trên thuận dưới hòa, vì quan niệm phương đông không có con nối dõi tổ tiên là bất hiếu. Trong truyện Kiều có đoạn Thúc Sinh giả vờ định bắt trước người khác tự vẫn, rồi lấy cớ chưa có con nối dõi dòng tộc để chia tay với nàng Kiều. (Trung Đường chút chửa cam lòng / Cắn rằng bẻ một chữ đồng làm hai). Ông Phúc không có đai to, mặt ngọc trễ rốn, chỉ có đai vải quấn lỏng hờ, đầu đai thả bộ xà tích có 2 hình con dơi được cách điệu, bố cục thành hình tròn gọi là hình Khánh Phúc. Trong tiếng Hán chữ Dơi ở bên phải có bộ nhất khẩu điền giống với chữ Phúc, nên người xưa đã muốn hình tượng con Dơi cách điệu thành hình chiếc khánh, miệng hay ngậm chữ Phúc - Kim tiền hoặc chữ Thọ, để thể hiện cho các mong ước trên rất nhiều đồ án trang trí. Ta thường thấy bộ Ngũ Phúc (5 con) Dơi được cách điệu chạy len lỏi trong lồi lõm của chạm khảm, trông rất vui trên các lèo tủ và nhiều đồ án khác. Ông Lộc (Đậu Tử Quân): Với trang phục đại quan, một chân dung đầy đặn, phương phi, hồng hào, quyền pháp đầy đủ vì trong tay đang cầm một thẻ bài lớn, bộ râu đen đang lắc lư ngạo nghễ cùng bộ cánh chuồn trên đầu tỏ rõ sự hả hê, sung mãn, tràn trề sang trọng. Khoác trên mình bộ áo đỏ rộng, màu của sự hoan hỷ, giàu có, mạnh mẽ, thể hiện rõ thế và quyền lực, lại trang trí trên đai, mũ áo có rất nhiều ngọc ngà, châu báu, điểm đặc trưng trong ba ông thì ông Lộc có bộ đai rộng, bụng to được trễ xuống qua rốn biểu tượng của sự no đủ, quá dư, thừa thãi. Ngực áo được thêu rồng, gấu áo là sóng thuỷ ba, nước là biểu tượng của khí mà có những ba lớp sóng được kết hợp với rồng trên cao đang phun nước, tạo thành một không gian trên trời, dưới đất, rồng, mây, nước đang quần thảo thúc đẩy vượng khí. Ông Thọ (Đông Phương Sóc): Xuất xứ là người nhà trời xuống trần gian giúp nhà Hán với một sự nổi trội không bình thường lúc đó là sống 125 tuổi (gần gấp đôi cái tuổi cổ lai hy). Chính cái điển hình này đã được dân gian bóc tách ra thành một biểu tượng của sự sống lâu. Hình nghĩa chân dung của ông Thọ mới đáng bàn hơn, theo sách nhân học của Ma Y Thần Tướng cho biết theo lý pháp: Thì trán là phương Nam, phương của trời, trời phải rộng lớn nên trán phải cao to, xương trán (biển địa) lồi lên càng rộng mênh mông càng tốt, nên các ông Thọ mà ta trông thấy đầu và trán như là bị biến đầy và nhô lên. Cầm là phương Bắc (Địa các), hai bên thái dương kẻo thẳng xuống tai cất (là má) gần dái tai nối vòng xuống cấm thành một mạch đầy đặn nay nả, về cuối đời tuổi già, sức yếu, mùa đông gió rét không làm ăn được mà cầm vẫn nhô cao đầy đặn thể hiện đất đai vẫn mầu mỡ, tài sản vẫn còn sung túc là phúc - thọ - khang - ninh.
Tam Đa trong tín ngưỡng dân gian
Sự biến đổi của Tam Đa gần đây lại chuyển sang hướng khác. Một bộ Tam Đa lấy tên cây làm biểu tượng của Phúc, Lộc, Thọ. Cây Sung - Đa - Lộc Vừng là ba loại cây mộc hoang không phải là cây quý hiếm, sau khi được xếp thành bộ tự chúng lại có giá trị, về mặt nghệ thuật tạo hình nó không có những tiểu tiết tượng trưng ý tưởng như đã trình bày ở trên, nhưng về mặt đời sống thực vật như dáng dấp, lồi lõm khúc khẩu, cong queo vặn vẹo một cách tự nhiên nhiều khi lại rất đẹp và người ta chấp nhận nó. Trong xã hội hiện đại do kinh doanh và giao thông tàu xe, thuyền bè lại thờ Thần May mắn trên đường đi hay Thần Tài lộc, nhiều khi vẫn là một trong ba vị đó được biến dạng, lắp ráp thay đổi vị trí mà thôi. Ở giai đoạn đầu biểu tượng Tam Đa được chúc tụng bằng lời, về sau ba điều ước đó trở thành biểu tượng của tinh thần và được nghệ thuật sắn tay uốn nắn nên giá trị mọi mặt đã được nâng cao. Ngoài việc hưởng thụ ước vọng, dân gian ta còn gắn kết rất khéo tính giáo dục, ở đây ta thấy 2 ông (Lộc và Phúc) đã điển hình hoá là một cặp đối lập giữa giàu có và thanh bần, cao sang với giản dị, hợm hĩnh và khiêm tốn. Dường như sự nổi trội của ông Lộc khiến ông Phúc tưởng như lép vế, dân gian đã khéo léo lấy lại công bằng, còn là tính hơn hẳn trong cặp phạm trù (không con và có con), điều đó cho thấy sự sâu sắc trong tư duy. Giàu có phải làm gì để thay đổi sự đóng góp và cống hiến, như vậy tác phẩm không đơn thuần là nghệ thuật mà còn là lời răn dạy mang tính giáo dục rất cao ở từng ông một. Hình tượng ba ông xem như một sáng tạo riêng biệt hết sức độc đáo, được vận dụng những kiến thức minh triết phương Đông ứng dụng trong hình dáng, chân dung và những trang trí đường nét ở các tiểu tiết nhỏ qua ngàn năm vẫn tồn tại. Qua đó có thể thấy sự ra đời tín ngưỡng thờ Tam Đa và các thần khác là một nhu cầu chính đáng vì trong đời sống của cá nhân phấn đấu cho sự nghiệp của mình cần phải có một lực lượng siêu nhân nào nhằm hỗ trợ tinh thần, cho nên dân vừa là vai trò sáng tạo vừa chịu sự chi phối của loại hình tín ngưỡng này. Chính vì thế mà tín ngưỡng thờ Bà Chúa Kho ra đời từ nhu cầu (vay vốn), thờ Quan Công là thể hiện (tín nghĩa) và cần được (bảo vệ). Thờ Thần tài là nhu cầu đắc tài, đắc lộc, tín ngưỡng thờ Cô, Cậu ra đời là mong có con theo ý muốn.

MỸ THUẬT DÂN GIAN

MỸ THUẬT DÂN GIAN