Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

NGHỆ THUẬT HẬU ẤN TƯỢNG, VÀ NHỮNG KẺ "TỬ VÌ ĐẠO" ĐẦU TIÊN CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN ĐẠI...



Cách nhìn, cách vẽ của các họa sĩ Ấn tượng nhanh chóng được lan rộng trong thế giới hội họa, đến những nơi mà người ta bắt đầu chú ý đến đề tài đương đại và tranh vẽ ngoài trời như Anh, Mỹ, Úc, Nhật Bản, v.v… Nhưng bản than trường phái Ấn tượng thì không tồn tại lâu. Từ 1880, ngay những người kiên trì với phong cách Ấn tượng như C. Monet, A. Renoir đã có những điều chỉnh nhất định, còn lại, đa số đều rẽ lối đi tìm con đường khác.

Sự tan rã của trường phái Ấn tượng có mầm mống nội tại. Càng ngày, các họa sĩ càng nhận ra rằng nghệ thuật không chỉ là sự thể hiện đơn thuần những cái nhìn thấy thoáng qua và tình cờ một cách tự nhiên chủ nghĩa, những nguyên lý về chân lý khách quan của thiên nhiên không thể hoàn toàn thay thế cho các ý nghĩa tượng trưng và sự biểu đạt cảm xúc. Thời kỳ Hậu-Ấn tượng (Post-Impressionism) đã mở ra nhiều xu hướng khác. Nổi trội lúc ấy, có các nhà Tân-Ấn tượng (Neo-Impressionism) và các nhà Tượng trưng Chủ nghĩa (Symbolisme). Tuy nhiên, trong cả hai, bốn người có ảnh hưởng lớn nhất đến nghệ thuật tạo hình sau này là P. Cézanne, G. Seurat, V. Van Gogh, và P. Gauguin-bốn con người “tử vì đạo”, và mỗi người, không chỉ mở ra một con đường.

Paul Cézanne (1839-1906) là người đầu tiên chia tay với nhóm Ấn tượng (1877). Ông lặng lẽ đi tìm sự hòa giải những khám phá mới mẻ từ các họa sĩ Ấn tượng với các chuẩn mực của nghệ thuật truyền thống. Ông tiếp thu hội họa truyền thống ở tinh thần duy lý với các công thức về sự cân bằng, vững vàng nhưng hướng đến sự khám phá cấu trúc hình học (trừu tượng hóa) của thiên nhiên. Ông tiếp thu hội họa Ấn tượng ở bảng màu lung linh ánh sáng, ở ý nghĩa kiến tạo không gian sự vật. Tranh ông được xây dựng theo các nguyên tắc của sự hài hòa riêng biệt khêu gợi tinh thần chứ không hấp dẫn mắt nhìn từ bên ngoài. Những hình thể của thiên nhiên trong tác phẩm của ông như: “Tỉnh vật với quả táo” (1878), “Núi non vùng Provenee” (1886) v.v… gần như được giản lược về những hình khối cơ bản: hình trụ, hình cầu, hình nón. Chiều thứ ba được tạo ra bằng biến thái sắc độ tinh tế, và để đạt đến sự hài hòa tổng thể, ông sẵn sàng phá vỡ sự cân đối cục bộ của từng thành tố-bóp méo hay kéo lệch hình. Các nguyên tắc “vẽ đúng” của chủ nghĩa Hàn lâm, với ông, xem như bị hủy bỏ hoàn toàn. Đây là lý do khiến người ta xem ông là cha đẻ của nghệ thuật hiện đại. Phong cách nghệ thuật của ông là một trong những ảnh hưởng quan trọng đến trường phái lập thể (Cubism) sau này…

Georges Seurat (1859-1891) cũng quan tâm đến sự kiến tạo một cấu trúc hội họa mới, nhưng ông bắt đầu bằng cách sử dụng phương pháp hội họa của phái Ấn tượng. Từ các nghiên cứu lý thuyết về ảnh màu, ông khoa học hóa các phát hiện bản năng của các họa sĩ Ấn tượng. Ông vẽ bằng các chấm màu nguyên chất, nhỏ, đều với hy vọng khiến cho các màu hòa trộn với nhau trong mắt người xem mà không làm mất độ mạnh và độ sáng của chúng. Với lối vẽ này, ông được xem là người dẫn đầu trường phái Tân-Ấn tượng. tác phẩm “Chiều chủ nhật trên đảo” (1884) của ông được xem là một trong những ví dụ thuyết phục làm sống lại một cách mới mẻ tính chất vững chắc về cấu trúc, hình họa, bố cục-những nhân tố cơ bản mà trường phái Ấn tượng bỏ quên. Sự thú vị ông mang lại cho các họa sĩ về sau chính là ở tính chất hình thức hóa rất cao với các hình thể giản lược và sự hùng tráng có ý thức, cũng như sự quyến rũ của bảng màu…

Ngày nay, có lẽ, ai cũng đều biết đến cái tên Vincent Van Gogh (1853-1890). Từ lâu, ông được xem là biểu tượng cao cả của khát vọng sống, của tinh thần “tử vì đạo” nơi con người. Giá tranh của ông hiện nay đang đứng ở vị trí đầu bảng trên thị trường nghệ thuật. “Hoa hướng dương”, “Hoa diên vĩ” lên đến bốn, năm chục triệu đô la và phiên bản tranh ông có mặt ở khắp mọi nơi…, nhưng đương thời, ông chỉ bán được một bức tranh với giá rẻ mạt, không ai biết đến, nghèo khó, cùng quẫn với những cơn điên loạn… Đến với hội họa muộn, tự học, vẽ như “cuồng” như “dại” nhưng hội họa của ông có một tầm ảnh hưởng lớn lao không sao kể hết. Cũng tiếp thu chủ nghĩa Ấn tượng, tranh khắc gỗ Nhật Bản, nhưng hội họa Van Gogh có tinh thần khác hẳn. Ông có lẽ là họa sĩ ít tinh thần duy mỹ nhất. Hội họa của ông nhắm đến sự lột tả các xung động nội tâm. Ông không quan tâm đến cách “vẽ đúng”, không nhượng bộ các ấn tượng mắt thấy. ông dùng những nét cọ riêng rẽ, mạnh mẽ, cuồn cuộn không chỉ để phá vỡ màu sắc, cấu trúc tự nhiên của mọi hình thể mà còn để diễn tả nổi khích động riêng tư. Nét bút, bảng màu của Van Gogh có giá trị tượng trưng và biểu hiện phơi bày tâm trạng của ông. Không có một họa sĩ nào trước ông sử dụng phương tiện này một cách vững vàng và hiệu quả đến thế. Con đường của Van Gogh, dẫn đến chủ nghĩa Biểu hiện (Expressionism) sau này, ảnh hưởng đến chủ nghĩa Dã thú (Fauvism) lẫn hội họa Trườu tượng ban sơ.

Người thứ tư, Paul Gauguin (1848-1903) cũng tự học, cũng bắt đầu vẽ tương đối muộn, cũng có cuộc sống khác thường với tinh thần “tử vì đạo” như Van Gogh, nhưng với một tâm thế, một ý thức khác hẳn. Gauguin không quằn quại, “đau nhói” như Van Gogh, mà tỏ thái độ khinh ghét và từ chối văn minh. Từ năm 1891, ông từ bỏ Châu Âu phù hoa đến sống với thổ dân ở Tahiti-một trong những hòn đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương-và ở đây, ông đã tạo nên thế giới hội họa của riêng mình. Ông vẽ người dân bản địa với các sinh hoạt phong tục, tín ngưỡng… của họ. Tranh ông có chủ đề mới mẻ, lạ lùng. Không chỉ thế, ông còn như muốn vẽ bằng cách nhìn của họ. Cách nhìn lúc ấy bị cho là “mọi rợ”-đơn giản hóa hình thể trong đường nét dứt khoát, mạnh mẽ, và không ngại sử dụng các màu chói thành mảng lớn, trái tự nhiên, nhằm đạt đến ý nghĩa biểu hiện và tượng trưng. Ông được xem là một trong những người đầu tiên khai quật những giá trị thẩm mỹ sống động của những dân tộc cổ xưa hay người nguyên thủy, và phong cách của ông có ảnh hưởng lớn lao. Nhóm Nabis được thành lập ở Paris là do dựa vào cảm hứng của ông. Ông là một trong những nhân vật đứng đầu phong trào Tượng trưng, và là một trong những ảnh hưởng chính của các khuynh hướng nghệ thuật phi tự nhiên của thế kỷ 20.

Nhìn chung, với sự "điên rồ” của mình, những con người “tử vì đạo” nói trên đã làm một sự đoạn tuyệt dứt khoát với truyền thống mấy trăm năm quá thiên về lối “vẽ đúng” và nương tựa vào lối tư duy ý niệm để diễn dịch đề tài của hội họa Châu Âu, và từ đó, xác lập các tiền đề của hội họa hiện đại-nền hội họa tự do diễn đạt cảm xúc cũng như thực tại vật chất bằng tính cách tự trị của ngôn ngữ hội họa. Từ đây, hội họa thoát ra khỏi cách tái tạo những câu chuyện kể để cho hình, màu và kiến trúc cất lên tiếng nói của mình…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét