Mỗi sản phẩm đều có mối liên hệ nhất định với một màu sắc nào đó. Những sản phẩm nổi tiếng thường được người tiêu dùng nhớ tới và nhận ra qua dấu hiệu chủ yếu là màu sắc. Các chuyên gia trong lĩnh vực tiếp thị không còn xa lạ với việc chú trọng màu sắc của sản phẩm, bởi họ biết đây là việc quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, làm cách nào để màu sắc có tác động tích cực nhất đến sản phẩm thì không phải ai cũng nghĩ ra được.
Vào những năm đầu của thế kỷ mới, một xu hướng tiếp thị, chiêu thị khách hàng bằng màu sắc đã lan rộng trên toàn thế giới. Giờ đây, nếu bạn bước vào siêu thị, cửa hàng sách báo, hay thậm chí bật TV, vào mạng Internet, bạn sẽ choáng ngợp trước vô vàn màu sắc khác nhau của sản phẩm. Steve Forlan, một chuyên gia tiếp thị của Vodaphone, nói: “Tôi không nghĩ màu sắc sặc sỡ là trào lưu tiếp thị đặc trưng của thời hiện đại. Nó đã xuất hiện từ rất lâu và chỉ đến bây giờ mới nở rộ mà thôi”. Nhận xét của Steve được nhiều người đồng tình. Thực ra, ngay từ những năm đầu của thế kỷ trước, các doanh nghiệp đã hết sức coi trọng màu sắc sản phẩm, tuy nhiên do tính cạnh tranh trên thị trường tại thời điểm đó chưa cao nên các công ty chưa chú tâm nhiều đến việc đặt hai khái niệm “màu sắc” và “sản phẩm” cạnh nhau.
Vô tuyến là một ví dụ. Vào những năm 1950- 1960, vô tuyến còn là một sản phẩm cồng kềnh với kích thước to lớn với màu sắc chủ đạo trong nhiều thập kỷ liền là màu trắng hay xám, nếu có màu khác thì cũng chỉ là màu nâu sẫm của lớp gỗ bọc bên ngoài. Ở thời điểm đó, vô tuyến vẫn là một sản phẩm công nghệ cao và còn ít doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, nên việc tiêu thụ sản phẩm không “làm khó” được các nhà sản xuất. Ngày nay, trên thị trường đã có hàng nghìn nhà sản xuất TV và TV cũng trở thành món đồ gia dụng phổ thông trong mọi gia đình. Những chiếc TV giờ đây được sản xuất theo dây chuyện công nghệ cao với nhiều chất liệu mới. Và trước vô vàn nhãn hiệu vô tuyến trên thị trường, khách hàng đương nhiên sẽ dành sự ưu ái cho những chiếc “hợp nhãn” nhất. Nắm bắt được tâm lý đó, các nhà sản xuất không ngại “tô vẽ” lên lớp vỏ TV đủ thứ màu sắc khác nhau, trang nhã có, loè loẹt có. Hãng Sanyo đã tung ra thị trường các sản phẩm TV có cùng một mã số nhưng có đến 10 màu khác nhau; trong khi tập đoàn Philips của Hà Lan thì pha trộn cả bốn màu xanh, đỏ, lục, vàng, tím chỉ trên một chiếc vỏ TV. Không những thế, sắp tới, Philips còn dự định sẽ cho in cả những bức họa nổi tiếng của Picasso hay Van Gogh lên sản phẩm TV của mình.
“Ngày nay, màu sắc sẽ làm một cuộc cách mạng trong hoạt động tiếp thị”- Gerard Kleisterlee, giám đốc điều hành của Philips, cho biết. Doanh thu liên tục giảm sút, mức thua lỗ ngày một tăng cao, các nhà đầu tư tỏ ra chán nản khiến tâm trạng bi quan như đám mây đen che phủ lên tập đoàn điện tử xứ hoa tu-líp này. Hơn bao giờ hết, Philips đang rất cần một nhân tố để kích hoạt công việc kinh doanh của tập đoàn. Và màu sắc là một trong những chiến lược được Kleisterlee lựa chọn. Thật ra, từ những năm 1999, Philips đã tiến hành cuộc cách tân màu sắc sản phẩm, nhưng đó chỉ là những thử nghiệm nhỏ mang tính nội bộ, mà chỉ vài năm trở lại đây, các sản phẩm với màu sắc độc đáo mới thực sự được quảng bá rộng rãi trên thị trường. Kleisterlee nói: “Màu sắc sặc sỡ trên TV sẽ chinh phục thị trường, đặc biệt là giới trẻ, những người luôn thích thú với phong cách mới và hiện đại”.
Nhưng nhà tiên phong của “cuộc chơi” màu sắc lại chính là hãng Cofemex, Mỹ. Hãng này đã tung ra thị trường sản phẩm máy xay cà-phê với ba màu đỏ, xanh và trắng. Đây là chiến lược sáng suốt được Cofemex áp dụng để “cứu vớt” doanh thu đang trên đà xuống dốc. Nghệ thuật tiếp thị mới này đã bắt trúng mạch thị trường hàng tiêu dùng. Chỉ chưa đầy hai năm sau khi sản phẩm mới được giới thiệu, lợi nhuận của Cofemex từ chỗ khủng hoảng đã dần dần phục hồi và tăng trưởng đạt mức trung bình gần 10%. Tương tự Cofemex, hãng sản xuất đồ gia dụng Ariston của Thuỵ Điển cũng lo lắng trước tình trạng kinh doanh ế ẩm và dự định sẽ cho ra mắt các sản phẩm máy giặt, tủ lạnh và máy đun nước có màu xanh dương và màu xanh lục.
Còn Apple, một trong những hãng sản xuất máy tính lớn nhất thế giới, thì đang chuẩn bị cho kế hoạch máy tính rực rỡ sắc màu. Apple đã bán thử nghiệm trên thị trường một số lượng nhỏ máy tính có màu vàng, màu chanh và màu cà-phê sữa. Kết quả xem ra khá khả quan, khi lượng máy tính được tiêu thụ mạnh chưa từng thấy. Kevin Mackeze, phụ trách bộ phận tiếp thị của Apple nói: “Chúng tôi sẽ phá vỡ sự đơn điệu, nhàm chán trong màu sắc của thị trường máy tính”.
Ở lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, “người khổng lồ” Nokia đã mở đầu làn sóng cách tân bằng những điện thoại đa màu sắc. Hãng đã tráng một lớp tế bào cảm quang lên vỏ điện thoại di động để làm cho màu sắc thay đổi tùy theo thời điểm và người sử dụng. Loại điện thoại này ngay lập tức nhận được sự tán thưởng của người tiêu dùng, khiến các đối thủ cạnh tranh lớn khác như Samsung hay Motorola cũng phải vội vàng xúc tiến các kế hoạch “đa sắc hóa” sản phẩm mới.
Như vậy là không còn gì để bàn cãi về tác động của màu sắc lên hấp lực thị trường của sản phẩm, thậm chí nhiều công ty còn coi đây là yếu tố chủ chốt để tăng doanh thu và lợi nhuận. Nếu màu sắc không được đánh giá đúng mức ở thế kỷ trước, thì giờ đây không công ty nào dám coi thường những sắc màu rực rỡ của sản phẩm. Sản phẩm hambuger quen thuộc của McDonald đã có màu sắc dịu hơn để khách hàng không cảm thấy ngán, hay hãng Bridgestone làm ra những chiếc lốp xe màu …lục để lôi cuốn khách hàng. Nghệ thuật tiếp thị với chiêu thức tung ra sản phẩm mới kèm theo một chút độc đáo từ màu sắc sản phẩm đã và đang được khai thác triệt để.
Mỗi sản phẩm một màu sắc
Tạo ra màu sắc cuốn hút là một hình thức quảng cáo hiệu quả nhất cho bất kỳ sản phẩm nào. Đó yêu cầu không đơn giản đối với bộ phận tiếp thị, bởi rất nhiều yếu tố khác nhau tác động. Sản phẩm phải được khách hàng chấp nhận với thời gian, trong khi việc chọn màu biểu tượng cho sản phẩm đòi hỏi các chuyên gia phải làm cách nào cho màu sắc đó luôn mới mẻ, hiện đại đối với người tiêu dùng.
Việc thay đổi sản phẩm là rất cần thiết, nhưng những chuyên gia tiếp thị giàu kinh nghiệm khuyên bạn không được đột ngột thay đổi màu sắc sản phẩm- đây là điều tối kỵ!. Theo họ, việc duy trì một loại màu sắc nhất định để trang trí, thông tin trên sản phẩm luôn có mối liên hệ mật thiết với lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm và đối với công ty. Màu sắc biểu tượng của các công ty hầu hết đều xuất phát từ màu sắc của sản phẩm và màu sắc này có ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng. Tuy thực tế vẫn có những sản phẩm với rất nhiều màu sắc, lại thường xuyên thay đổi mà vẫn mang lại hiệu quả, là vì chúng được kết hợp khéo léo để tạo nên một ấn tượng đặc biệt nào đó, nhưng dù sao thì các chuyên gia thiết kế vẫn khuyên rằng, màu sắc sản phẩm tồn tại càng lâu càng tốt.
Màu đỏ đã là biểu tượng đặc trưng hàng trăm năm của nhãn hiệu bột ngọt nổi tiếng Nhật Bản Ajinomoto. Màu sắc đó không hề thay đổi theo thời gian, sắc đỏ thể hiện sự vững bền của công ty và của sản phẩm. Đó là vẻ đẹp không thay đổi, nó ăn sâu vào tâm trí của các thế hệ khách hàng. “Bằng sự ổn định của màu sác, chúng tôi muốn nói rằng chất lượng của sản phẩm thật tuyệt vời và nó sẽ không hề thay đổi theo thời gian”- Koado Namu, giám đốc marketing Ajnomto cho biết.
(Ghi rõ guồn www.idibrand.com khi sử dụng thông tin, nội dung bài viết này)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét